Chống xe khách ”quá cảnh” qua Hà Nội: “Nút thắt” cần tháo gỡ

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Ý kiến 29/04/2019 06:52

Mặc dù luồng tuyến xe khách tại Hà Nội đã được điều chỉnh theo hướng bến Bắc - Bắc, Nam - Nam, tuy nhiên hiện nay còn hàng trăm tuyến xe khách liên tỉnh “quá cảnh” qua Hà Nội chưa được điều chỉnh, gây nhiều hệ lụy cho giao thông.


IMG_8822.

Một xe khách của Nghệ An hoạt động trên đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua Bến xe Mỹ Đình, xuyên tâm thành phố đi Bắc Ninh

Phá vỡ quy hoạch khoa học

Trao đổi với PV, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau hai năm Hà Nội thực hiện xong việc sắp xếp, điều chỉnh lại gần 1.000 lượt xe theo quy hoạch “xe tuyến nào về bến có tuyến ấy”, áp lực giao thông trên trục đường Vành đai 3 đã giảm rõ rệt, nhưng vẫn còn xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm.

Một trong những nguyên nhân khiến đường Vành đai 3 ùn tắc là do trên địa bàn vẫn còn khoảng hơn 400 lượt xe khách “quá cảnh” Hà Nội, nghĩa là chỉ đi qua chứ không có điểm đầu, cuối. Các xe này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của đường Vành đai 3 và các tuyến đường phụ cận mà còn phát sinh hiện tượng dừng đỗ, đón, trả khách tùy tiện, gây mất trật tự, ATGT.

Hàng ngày, tại cổng Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, các xe mang thương hiệu Thái Đăng Long, Phương Hoa (tuyến Hưng Yên - Vĩnh Phúc) ngang nhiên lập “bến cóc” dưới lòng đường, tổ chức đón, trả khách công khai. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay. Khi báo chí và người dân phản ánh, các cơ quan chức năng có tập trung xử lý, tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó các nhà xe vẫn “chứng nào tật ấy”, “ngựa quen đường cũ”.

Theo ước tính, mỗi ngày trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 3 có hàng trăm lượt xe khách tuyến Thanh Hóa đi Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên “quá cảnh”, đón, trả khách trái phép, gây UTGT, bức xúc cho người tham giao thông, điển hình là các nhà xe: Xuân Thủy, Hào Hương, Trường Hằng, Hoàng Phương, Tiến Phương, Công Bích, Đại Thu...

Tương tự, đối với xe khách tuyến Nghệ An, các nhà xe: Xuân Sự, San Hiền, Trần Anh, Trung Trầm, Kim Thành Chính, Trung Lan, Hải Bình, Tâm Anh Hào, Cúc Mừng, Dũng Minh... cũng thường xuyên “quá cảnh” qua Bến xe Mỹ Đình, đường Phạm Văn Đồng đón, trả khách đi các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Liên quan đến vấn đề này, Đại úy Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đã rơi vào tình trạng quá tải do mật độ phương tiện ô tô quá đông. Đặc biệt, tình trạng vi phạm về dừng, đỗ, đón, trả khách của các phương tiện xe khách có hành trình đi trên đường Vành đai 3 vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, Đội CSGT số 6 đã xử lý gần 300 trường hợp xe khách tuyến cố định dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định. Theo Đại úy Trần Quang Chinh, với những nhà xe chỉ “quá cảnh” qua Hà Nội, việc xử lý vi phạm tương đối khó khăn và thiếu hiệu quả.

Đại uý Chinh dẫn chứng, đối với các xe chạy từ Thanh Hóa, Nghệ An về Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bất kỳ chỗ nào dọc đường Vành đai 3 - Phạm Văn Đồng, chỉ cần thiếu vắng lực lượng kiểm tra, xử lý là họ sẵn sàng trả khách, gây khó khăn cho công tác xử lý cũng như mất TTATGT.

Từ thực tế này, Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND Thành phố và Bộ GTVT thay đổi lộ trình những phương tiện xe khách tuyến cố định “quá cảnh” qua Hà Nội.

Cụ thể, các xe đi từ phía Nam sẽ không rẽ trái sang đường Vành đai 3 về phía đường Phạm Văn Đồng mà rẽ phải để đi QL5 kéo dài, qua cầu Đông Trù ra đường Võ Chí Công để tránh đi qua đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng.

Đồng quan điểm, ông Trần Nhật Quang - Chánh TTGT (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đang triển khai xây dựng đường Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long nên năng lực lưu thông trên tuyến đường này bị hạn chế đáng kể. Do vậy, việc điều chỉnh luồng tuyến của một số nhà xe tuyến cố định “quá cảnh” qua Hà Nội sẽ góp phần hạn chế ùn tắc khi tuyến đường vừa thi công, vừa khai thác.

Cần giải pháp triệt để

Với tình trạng xe khách “quá cảnh”, là một trong những thủ phạm gây ra tình trạng mất trật tự thị trường vận tải, kéo theo nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Thủ đô. Trước tình hình đó, Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN điều chỉnh hơn 400 lượt xe “quá cảnh” qua địa bàn Hà Nội nhưng cả năm nay vẫn chưa được chấp thuận.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, một khi hoàn tất điều chỉnh hơn 400 lượt xe “quá cảnh” này, không chỉ Vành đai 3 mà cả các tuyến đường phụ cận cũng sẽ giảm đáng kể áp lực giao thông.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội từng bày tỏ: “Chúng tôi đang rất đau đầu xử lý loại xe khách “quá cảnh” này. Sở GTVT đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Tổng cục ĐBVN và Bộ GTVT điều chỉnh luồng tuyến số xe khách này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể”.

Tại cuộc làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Vụ Vận tải, Tổng cục ĐBVN phối hợp, hỗ trợ Sở GTVT Hà Nội tổ chức điều chỉnh lại hành trình các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh (tuyến không có điểm đầu, cuối tại bến xe trên địa bàn TP. Hà Nội).

Đầu năm 2019 vừa qua, Hà Nội tiếp tục có công văn gửi Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN và các Sở GTVT: Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên… về việc phối hợp điều chỉnh quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ qua Hà Nội.

Trước đề xuất điều chỉnh hơn 400 lượt xe “quá cảnh” qua địa bàn Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định thuộc diện được đề xuất điều chỉnh lộ trình cho rằng, không thể vì một số vi phạm của một vài cá nhân nhỏ lẻ để thay đổi lộ trình của hàng trăm phương tiện.

Các ý kiến này đều cho rằng, trước hết các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tăng cường xử lý vi phạm thông qua tuần tra giám sát qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, qua đó góp phần hạn chế tình trạng UTGT tại khu vực này, tránh gây xáo trộn đến số lượng lớn doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đang hoạt động

Ý kiến của bạn

Bình luận