Chi phí logistics cao là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Tác giả: HT - TD

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/04/2018 10:17

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Dịch vụ logistics không phải mới nhưng ít có người hiểu đầy đủ, chỉ tổ chức GTVT đơn tuyến, đơn lẻ và hầu hết chỉ có đường bộ. Những biện pháp kết nối, giao dịch tổng hợp chưa hiệu quả, có đến 45% xe vận tải quay về không có hàng thì làm sao chi phí không cao được.


74580D09-9684-4C1F-9B26-CAD9F9E55FD9.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị.

Sáng 16/04, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề logistics ở Việt Nam đuợc văn kiện đại hội Đảng và 1 số bộ ngành triển khai trong phạm vi quốc gia, nhưng khái niệm, cách tổ chức thực hiện nhất là những biện pháp tổng hợp xử lý còn rất yếu. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí còn rất cao; vì vậy hội nghị này chúng tôi mời đông đủ tất cả các địa phương, các ngành trong cả nuớc để chúng ta hiểu hơn và tổ chức thực hiện tốt hơn vấn đề này. Dịch vụ logistics không phải mới nhưng ít có người hiểu đầy đủ, chỉ tổ chức GTVT đơn tuyến, đơn lẻ và hầu hết chỉ có đường bộ. Những biện pháp kết nối, giao dịch tổng hợp chưa hiệu quả, có đến 45% xe vận tải quay về không có hàng thì làm sao chi phí không cao được.

"Tôi muốn khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, doanh thu lên đến hàng tỷ đô la, là 1 trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây còn là dịch vụ kinh doanh hấp dẫn của nhiều công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp mạnh làm logistics chúng ta chưa có”, Thủ tướng đánh giá. 

Chức năng ngành logistics không chỉ giao nhận vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ, bốc xếp hàng hóa. Các địa phương cần phải hiểu và ngành GTVT, ngành Công thương nên tổ chức trao đổi về vấn đề này.

Theo Thủ tướng, có thể khẳng định nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, làm giảm chi phí hàng hóa. Chính vì vậy chúng ta cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là rào  cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistics. Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương thức vận tải, đồng thời kết nối kém đã góp phần làm tăng chí phí vận tải trong logistics. Hiện nay, vận tải hàng hóa chủ yếu vẫn chỉ là đường bộ trong khi các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng rất thấp, sự rời rạc này làm cho chi phí tăng.

Thủ tướng cũng cho biết, theo Ngân hàng thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm 60%, gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển. Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Mỹ là 7,7%, của Singapore là 8%, các nước thuộc khối EU là 10%, Nhật 11%. Đây là một câu hỏi đặt ra cho các đơn vị quản lý tại Việt Nam. Chính vì vậy cùng với những nỗ lực khác trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện con người…, việc cắt giảm chi phí đặc biệt chi phí logistics được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.

201E650E-71F5-463E-9F8A-9A0DB8AF5FC6.
Thủ tướng đánh giá chi phí logistics cao là rào cản lớn của các doanh nghiệp Việt Nam

Trước những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực logistics, tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu cần làm rõ những hạn chế trong hoạt động logistics và tập trung vào những giải pháp thực thi hiệu quả, kịp thời hơn đối với nền kinh tế nước ta về dịch vụ logistics. Thứ nhất là về thể chế chính sách, các đại biểu cần thảo luận làm rõ những quy định pháp luật hiện nay về logistics, cần bổ sung những vấn đề gì nhất là về quy hoạch phát triển, phát triển doanh nghiệp. Thứ hai là về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông để phát triển logistics trong đó là các giải pháp kết nối các bến cảng, nhà ga, sân bay; tiếp tới là các trung tâm logisitcs trung chuyển kết nối hàng hóa làm sao phải phát huy được tiềm năng về kinh tế, nhất là những công trình đầu tư, cần làm gì để nâng cao hiệu quả liên kết các chủ đầu tư. Thứ ba là cần thảo luận về tính kết nối của các loại hình vận tải và vấn đề thứ tư là phát triển doanh nghiệp và vùng phục vụ logistics.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, trong hoạt động logistics, vận tải đóng vai trò chính, ảnh hưởng lớn đến thời gian cung ứng và tổng chi phí logistics. Những nhà tổ chức logistics quan tâm đến việc cải thiện chuỗi cung ứng và tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải, trong đó đặc biệt là tiết giảm một cách hợp lý chi phí và thời gian vận tải. Do vậy, việc đầu tư phát triển, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, giảm chi phí vận tải sẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển logistics, gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh góp phần phát triển đất nước. Tuy nhiên thời gian qua, kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn còn tồn tại một số vấn đề hạn chế, dẫn đến chi phí vận tải còn cao.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do mạng lưới GTVT hiện nay tuy đã được đầu tư và phát triển nhưng vẫn còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các tuyến giao thông kết nối với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn...chưa được đồng bộ, đa dạng tương ứng với nhu cầu, năng lực của hệ thống. Sự không đồng bộ về quy mô, đặc biệt về tiến trình thực hiện giữa các dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm: đường, luồng, tuyến, kho bãi, cảng, nhà ga và cảng cạn..) làm ảnh hưởng rất lớn tới năng lực hoạt động và hiệu quả của toàn hệ thống. Đồng thời, chưa phát triển và kết nối đồng bộ được các phương thức vận tải trên cùng một hành lang vận tải để hình thành vận tải đa phương thức, tận dụng các loại hình vận tải, giảm thiểu chi phí vận tải. 

“Việc không sử dụng mô hình vận tải đa phương thức để  tận dụng ưu thế  của phương thức vận tải đường biển, đường thủy nội địa và vận tải đường sắt với khả năng khối lượng lớn, giá rẻ góp phần làm chi phí vận tải trong chi phí logistics tăng. Ngoài ra còn làm gia tăng áp lực và đẩy nhanh sự xuống cấp của cơ sở  hạ  tầng vận tải  đường bộ, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Vấn đề chưa thể áp dụng mô hình vận tải đa phương thức cũng một phần do cơ sở  hạ tầng bến bãi chưa được quy hoạch và bố trí hợp lý, chưa được đầu tư đồng bộ, thuận lợi cho việc kết nối các phương thức vận tải”, Thứ trưởng Công nhấn mạnh.

Hội nghị diễn ra trong sáng ngày 16/4, với nhiều tham luận của các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận