Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia

Đường bộ 25/08/2022 15:36

Nếu chiếu theo quy định cũ, các nhà thầu sẽ khó có cửa tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, quy định mới ban hành của Bộ KH&ĐT đã mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp giao thông có thể vào làm tại dự án trọng điểm này.


Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia - Ảnh 1.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã hoàn thành, thông xe đầu năm 2022

Nới quy định về yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu

Theo kế hoạch dự kiến khoảng 2 - 3 tháng tới, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) sẽ tiến hành công đoạn lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để tổ chức thi công. Đây là điều khác biệt so với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) khi tổ chức lựa chọn nhà thầu qua hình thức đấu thầu.

Tới thời điểm này, việc phân chia quy mô các gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chưa có nhưng theo dự báo sẽ có nhiều gói thầu quy mô lớn gấp nhiều lần so với các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Bởi, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ không chia nhỏ gói thầu nhằm thu hút được nhà thầu lớn có nhiều năng lực, kinh nghiệm thi công.

Nếu chiếu theo quy định trước đây, đối với các gói thầu xây lắp có quy mô lớn của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ rất khó lựa chọn được nhà thầu. Bởi, để có thể tham gia vào các gói thầu này, nhà thầu phải đáp ứng tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm là đã từng thực hiện các hợp đồng tương tự có giá trị ít nhất bằng 70% giá gói thầu đang xét.

Điều đó đồng nghĩa để có thể tham gia vào một gói thầu giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, điều kiện cần là nhà thầu đã từng thực hiện hợp đồng có giá trị 3.500 tỷ đồng. Theo thông tin của PV Tạp chí GTVT, thực tế, từ năm 2017 đến nay, chỉ có 3 nhà thầu xây lắp thực hiện công trình giao thông có giá trị 2.000 tỷ đồng, 2.327 tỷ đồng và 4.670 tỷ đồng.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Để xử lý vướng mắc này, trong văn bản liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025 vừa được gửi đến Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư 08/2022 trong đó quy định các tiêu chuẩn đánh giá theo hướng linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhà thầu chứng minh năng lực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chiếu theo Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT, các gói thầu xây lắp sẽ giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét.

Đồng thời, các công trình, hạng mục tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành có thể thuộc một hoặc nhiều hợp đồng (hợp đồng có thể đang thực hiện, chưa thanh lý); không đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với vị trí mà pháp luật về xây dựng không yêu cầu; không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng khi tham gia dự thầu.

Bên cạnh đó, Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT còn quy định, trường hợp gói thầu đặc thù mà không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu về doanh thu bình quân hằng năng, hợp đồng tương tự thì chủ đầu tư, bên mời thầu được chỉnh sửa theo nguyên tắc có thể yêu cầu về doanh thu bình quân hằng năm, hợp đồng tương tự khác với quy định của các mẫu hồ sơ mời thầu nhưng phải đảm bảo việc phân chia gói thầu là hợp lý, quy mô gói thầu không quá lớn để hạn chế cạnh tranh, nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia - Ảnh 3.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu

Thêm cơ hội cho nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam  

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trần Quang Tuyến - Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT đã "nới" quy định về tiêu chí yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Ông Tuyến nhận định, dự kiến các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ có quy mô giá trị lớn khoảng vài nghìn tỷ đồng, nếu chiếu theo quy định cũ (nhà thầu phải thực hiện các hợp đồng tương tự có giá trị ít nhất bằng 70% giá gói thầu đang xét) thì số lượng doanh nghiệp có thể giam gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí sẽ không nhà thầu nào đáp ứng được yêu cầu.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia - Ảnh 4.

Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT, các gói thầu xây lắp sẽ giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét.

"Việc Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư 08/2022, trong đó có quy định các gói thầu xây lắp sẽ giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho nhiều nhà thầu có thể đáp ứng tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia vào các gói thầu quy mô lớn thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2", ông Tuyến chia sẻ.

Đề cập đến việc phân chia quy mô các gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trong thời gian tới, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nói với Tạp chí GTVT: "Các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 triển khai đồng loạt cho nên các nhà thầu Việt Nam muốn trưởng thành cũng cần thông qua các dự án lớn để có cơ hội đầu tư nguồn lực, đầu tư trang thiết bị".

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia - Ảnh 2.

PGS.TS.Trần Chủng

"Rõ ràng, các gói thầu nhỏ, lặt vặt thì nhà thầu sẽ không có cơ hội đầu tư. Tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc chia thành các gói thầu lớn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Nếu là gói thầu độc lập thì nhà thầu có thể đầu tư các loại máy móc, thiết bị làm đường, dây chuyền công nghệ tiên tiến để đạt được chất lượng tốt, đồng thời cũng là cơ hội phát triển để tiếp tục làm các công trình khác trong tương lai".

"Việc kiểm soát sau chỉ định khâu là điều rất quan trọng, chủ đầu tư cần phải kiểm soát việc nhà thầu có đáp ứng đúng, đáp ứng đủ các điều kiện đã cam kết trong hồ sơ mời thầu hay không? Chẳng hạn, có đúng thiết bị, máy móc hiện đại không hay toàn máy cũ?; có đúng thợ bậc 7, bậc 8 không, hay ra công trường toàn thợ đội nón đi dép lê?;…"
PGS.TS.Trần Chủng

"Ngược lại, các gói thầu bé, lặt vặt, thì nhà thầu cũng chỉ huy động nguồn lực nhỏ, đủ để đáp ứng quy mô nhỏ lẻ. Vừa rồi, trên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, không ít ý kiến bàn luận về việc khen thưởng những nhà thầu hoàn thành sớm, vượt tiến độ nhưng bất cập ở chỗ khi nhà thầu làm gói thầu ở giữa hoàn thành trước, còn những gói thầu ở hai đầu do nhà thầu khác làm chậm thì việc hoàn thành gói thầu xong sớm cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi cả tuyến vẫn chưa thông", ông Chủng nói thêm.

Theo ông Chủng, bên cạnh các gói thầu lớn theo hình thức độc lập, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có thể áp dụng loại hình tổng thầu. Theo đó, gói thầu lớn sẽ do một tổng thầu đảm trách, quy tụ nhiều nhà thầu cùng phân chia công việc theo năng lực chuyên môn, khai thác được nguồn lực của từng đơn vị tham gia gói thầu về con người, thiết bị,…

"Khi áp dụng hình thức tổng thầu thì sẽ khai thác được nguồn lực của các nhà thầu có năng lực, triển khai với sự cắt giảm rất đáng kể khối lượng công việc của các chủ đầu tư, ban QLDA", ông Chủng chia sẻ và nhấn mạnh: "Cơ quan có thẩm quyền cần ưu tiên lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình".

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia - Ảnh 7.

Các gói thầu ở cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ áp dụng tiêu chí nhà thầu đã thực hiện các hợp đồng tương tự bằng 50% giá trị gói thầu đang xét.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT quy định giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét, đương nhiên sẽ tạo điều kiện hơn cho các nhà thầu tham gia vào các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

"Chẳng hạn một nhà thầu đã từng thực hiện hợp đồng gói thầu xây lắp giá trị 1.000 tỷ đồng, theo quy định mới trong Thông tư 08/2022 của Bộ KH&ĐT, hiện nay, nhà thầu này có thể tham gia vào gói thầu có trị giá 2.000 tỷ đồng, còn theo quy định cũ về đấu thầu thì nhà thầu chỉ có thể tham gia vào gói thầu khoảng 1.400 - 1.500 tỷ đồng. Rõ ràng, quy định mới của Bộ KH&ĐT đã tạo điều kiện và mở rộng hơn cho các nhà thầu", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đều áp dụng tiêu chí nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm là đã thực hiện các hợp đồng tương tự tối thiểu bằng 70% giá trị gói thầu được xét. Còn các gói thầu ở cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ áp dụng tiêu chí nhà thầu đã thực hiện các hợp đồng tương tự bằng 50% giá trị gói thầu đang xét.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Rộng cửa cho nhà thầu tham gia - Ảnh 8.

Ông Lê Quyết Tiến

"Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, theo kế hoạch dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2022 nên sẽ phải tiến hành lựa chọn nhà thầu vào tháng 10 - 11/2022 khi đã hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán", ông Tiến nói. 

Khối lượng công việc đang rất lớn, việc lựa chọn nhà thầu sẽ phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt thiết kỹ thuật, dự toán. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn đang bám sát kế hoạch khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trong tháng 12/2022
Ông Lê Quyết Tiến