Chỉ còn mất 4 đến 5 tiếng di chuyển từ Hà Nội đến Lai Châu

Thị trường 31/12/2015 15:11

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với TP. Lai Châu sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội với TP. Lai Châu, chỉ mất từ 4,5 đến 5,5 giờ.

 

Chỉ còn mất 4 đến 5 tiếng di chuyển từ
Ảnh minh họa.

Tại cuộc cuộc họp nghiên cứu nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thành phố Lai Châu do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã đưa ra hai phương án kết nối tỉnh Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Cụ thể, với phương án 1, từ Lai Châu đi theo QL 4D dài khoảng 101km gặp cao tốc tại nút giao IC 19 (Lào Cai), từ đây đi theo đường cao tốc khoảng 255km đến Hà Nội, tổng chiều dài quãng đường đi từ Lai Châu về đến Hà Nội là khoảng 356km.

QL 4D đi qua đèo Ô Quy Hồ có địa hình hiểm trở, trên đèo thường có sương mù, những năm gần đây thường xuất hiện băng tuyết làm ảnh hưởng lớn đến việc đi chuyển của các phương tiện.

Với phương án 2, từ Lai Châu đi theo QL 4D đến Tam Đường (dài 51km), rồi đi theo QL 32 đến ngã 3 Mường Than (dài 51,5km), từ đây đi theo QL 279 (dài 74,5km) kết nối với cao tốc tại IC 16 (Bảo Hà), chiều dài đi theo các quốc lộ là 177km, đi theo cao tốc là 199km.

Tổng chiều dài quãng đường đi về đến Hà Nội là 376km. Từ Lai Châu đến Mường Than đi theo QL 4D và QL 32 hiện nay đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi có châm chước; Từ Mường Than đến Bảo Hà đi theo QL 279 (dài khoảng 75km) đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi.

Theo phân tích, phương án 1 có nhược điểm QL 4D thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa, trên tuyến phải vượt qua 2 đèo Giàng Ma và Ô Quy Hồ với tổng chiều dài lên đến 51,5km, đặc biệt là đèo ô Quy Hồ vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn với địa hình hiểm trở, dài tới gần 30km và đỉnh đèo ở trên độ cao khoảng +2000m hầu như quanh năm sương mù, thậm chí những năm gần đây có xuất hiện tuyết bao phủ có chỗ tới ~50cm làm tê liệt giao thông.

Trong khi đó, với phương án 2, các đoạn tuyến đề xuất (kể cả làm mới và đi theo đường cũ) đi qua khu vực địa hình bằng phẳng hơn cho phép nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III dễ hơn phương án 1. Phương án này cũng phù hợp với quy hoạch của địa phương do tuyến kết nối các khu công nghiệp đang được đầu tư, sân bay Tân Uyên, đồng thời thời gian hành trình về Hà Nội mất 4,5 - 5,5 giờ, ngắn hơn so với phương án 1 từ 1- 1,5 giờ.

Lãnh đạo hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai thống nhất với phương án 2 như TEDI đã đề nghị nhưng đề nghị Bộ chỉ đạo xây dựng tuyến tránh khi đi qua hai thị trấn Văn Bàn (Lào Cai) và Tân Uyên (Lai Châu) trong quá trình xây dựng dự án.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị TEDI tiếp thu ý kiến, kết hợp với nghiên cứu của ADB lập báo cáo công tác triển khai nghiên cứu thiết kế, thiết kế cơ sở của dự án cũng như các báo cáo khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng yêu cầu TEDI sớm hoàn thành báo cáo khả thi của dự án để triển khai trong giai đoạn 2016 -2020 cũng như nghiên cứu xây dựng tuyến tránh hai thị trấn Văn Bàn, Tân Uyên, nghiên cứu tuyến đường kết nối lên cửa khẩu quốc tế Ma Lu Thàng của tỉnh Lai Châu như lãnh đạo hai tỉnh đã đề nghị.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch đầu tư điều chỉnh lại dự án QL 279 đoạn Khau Cọ - Bảo Hà, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện bảo trì tốt tuyến đường khi chưa thực hiện dự án.

Đối với dự án xây dựng sân bay tại hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam sớm trình phê duyệt dự án sau khi các Bộ, các tỉnh có ý kiến đóng góp.

Ý kiến của bạn

Bình luận