CEO Rolls-Royce tiết lộ: "Nếu không có BMW, Rolls-Royce đã bị khai tử!"

Tác giả: xe đời sống

saosaosaosaosao
Đánh giá 13/03/2019 11:07

Rolls-Royce đã hồi sinh và trở lại một cách ngoạn mục nhờ sự giúp đỡ từ BMW. Điều này đã được chính Torsten Muller-Otvos - CEO của hãng thừa nhận.

1
 

Khi nhắc tới Rolls-Royce, người ta sẽ nghĩ ngay đến những chiếc xe siêu sang, sở hữu thiết kế đặc trưng và ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Nhưng để có được một thương hiệu Rolls-Royce như bây giờ, cái tên đầu tiên phải nói đến chính là BMW Group. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1904 Rolls-Royce đã bắt đầu sản xuất xe hơi. Nhưng cuộc thế chiến I đã đưa đẩy công ty này lấn sân sang lĩnh vực động cơ máy bay.

  Trong nhiều năm sau đó, Rolls-Royce vẫn hoạt động song song ở cả hai lĩnh vực và thậm chí đã mua lại Bentley vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, những khó khăn vào cuối thập niên 1960 đã dẫn tới sự chia cắt của hai mảng này. Trong đó, bộ phận sản xuất động cơ máy bay do chính phủ Anh quản lý còn mảng xe hơi được tách riêng vào năm 1973 với tên gọi Rolls-Royce Motors. 

2
 

 Đến năm 1980, tập đoàn công nghiệp Vickers của Anh đã mua lại công ty này trước khi bán cho Volkswagen vào năm 1998. Theo một thỏa thuận đặc biệt vào 4 năm sau đó, hai thương hiệu của Rolls-Royce Motors chính thức tách rời, trong đó VW vẫn nắm giữ Bentley cũng như biểu tượng Spirit of Ecstasy và thiết kế lưới tản nhiệt đặc trưng của Rolls-Royce. Còn BMW Group sở hữu tên thương hiệu Rolls-Royce và logo RR. Phải đến năm 2003, hãng xe sang Anh quốc mới hoàn toàn trở thành một phần của tập đoàn xe hơi nước Đức. 

Với việc một tập đoàn đến từ Đức sở hữu một thương hiệu giàu truyền thống của người Anh, nhiều người đã cho rằng sẽ có những mâu thuẫn nảy sinh. Tuy nhiên, Rolls-Royce vẫn có thể tự đi trên con đường của mình và hồi sinh một cách ngoạn mục nhờ sự giúp đỡ từ BMW Group. Điều này đã được chính Torsten Muller-Otvos - CEO của hãng này thừa nhận. 

3
 

 Ông nói: “Tôi rất vui mừng khi là một phần của tập đoàn BMW. Có thể nói rằng Rolls-Royce đã chết nếu không có BMW Group và không còn tồn tại đến ngày nay.” Theo vị này, những thương hiệu nhỏ bé nhưng cao quý như Rolls-Royce đã biến mất nếu không có những nhà sản xuất OEM tầm cỡ đầu tư vào các công nghệ dài hạn và tốn kém. Đó có thể là công nghệ xe điện, tự lái hay cho phép bạn đáp ứng mọi quy định pháp lý trên toàn thế giới. 

 Đây rõ ràng không phải là những lời tán dương sáo rỗng. Bởi lẽ, để cạnh tranh được trên thị trường xe hơi hiện nay, các thương hiệu luôn cần dành những khoản chi khổng lồ dành cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ. Đó là một gánh nặng không tưởng với những hãng xe nhỏ bé. Và những tập đoàn hàng đầu như VW, BMW, GM hay FCA với tiềm lực tài chính hùng hậu và nền tảng công nghệ, kỹ thuật vượt trội đã biến mọi thứ trở nên cực kỳ đơn giản. 

 Một điểm đáng khen của BMW Group chính là khả năng điều hành phóng khoáng đối với những thành viên như Rolls-Royce. Cụ thể ở đây là tập đoàn này không có một sự gò ép về mặt đường lối và Rolls-Royce có thể theo đuổi những thứ của riêng mình. Siêu phẩm Phantom VIII là một minh chứng cho điều trên. Bởi trên sản phẩm này, dấu ấn của BMW là gần như không có. Gã khổng lồ vùng Bavaria cho phép Rolls-Royce tự phát triển nền tảng, động cơ và hệ thống treo để Phantom thực sự là một chiếc xe đặc biệt.

 Nhưng nếu muốn, hãng này vẫn có thể sử dụng nền tảng hay động cơ của BMW Group giống như người anh em MINI đang làm. Nhưng làm vậy sẽ khiến cho những chiếc xe của Rolls-Royce bị mất đi bản sắc và sự độc đáo vốn có. 

Ý kiến của bạn

Bình luận