Cấp cứu ban đầu sau TNGT và "khung giờ vàng" cần biết

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 27/08/2015 04:35

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân.


 

20150825_083345
Theo tổ Y tế Thế giới (WHO): "Trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi tai nạn được coi là “Giờ vàng”  để cấp cứu nạn nhân"

Nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu chấn thương ban đầu đối với tai nạn giao thông, vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Y tế các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng phó cấp cứu sau tai nạn giao thông – Vai trò cấp cứu ban đầu”, đây là hoạt động của Tiểu ban Ứng phó sau tai nạn giao thông – Diễn đàn ATGT Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia; Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế; Lãnh đạo TW Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Cục Y tế giao thông vận tải; đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cấp cứu chấn thương và đào tạo cấp cứu chấn thương của các cơ sở Y tế, các trường Đại học.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi tai nạn được coi là “Giờ vàng”  để cấp cứu nạn nhân. Hầu hết tử vong xảy ra trong giờ đầu tiên sau tai nạn là  do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng hoặc đường thở bị tắc hoặc do mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ hệ thống cấp cứu, Hội thảo lần này sẽ đưa ra được những sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sơ cấp cứu nạn nhân, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông. Số liệu thống kê về công tác cấp cứu của Cộng đồng Châu Âu cho thấy tỉ lệ tử vong có thể giảm từ 15 – 20% nếu công tác sơ cấp cứu được làm đúng và kịp thời.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: "Ủy ban ATGT Quốc gia luôn đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề sơ cấp cứu đối với nạn nhân tai nạn giao thông.  Hội nghị lần này sẽ đưa ra được những sáng kiến, giải pháp để kiềm chế tử vong trong tai nạn giao thông”, ông Hùng nhấn mạnh.

20150825_082655
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Vì sức khỏe của dân, dù là cơ quan của Ủy Ban ATGT Quốc gia, CSGT hay các ngành nghề lĩnh vực khác, cuối cùng cũng đều hoạt động vì sức khỏe của con người, của nhân dân nên cần phải phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, nhanh chóng.

“Nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Việt Nam là do TNGT. Dọc các tuyến quốc lộ, hầu hết đều có trạm y tế nhưng có trạm lại nằm xa đường, khoảng cách giữa các trạm không đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng đông dân cư. Số lượng nhân viên các trạm rất ít, trình độ cấp cứu tai nạn, chấn thương còn hạn chế. Việc đào tạo được kiến thức cấp cứu cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu dọc các tuyến đường thì mỗi năm nước ta có thể giảm được 10-15% số người bị chết do TNGT”, ông Khuê nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, TS. Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, hàng năm BV tiếp nhận khoảng 35.000 trường hợp cấp cứu tai nạn thương tích, trong đó có trên 15.000 trường hợp TNGT (chiếm 51,7%). Điều đáng tiếc là khi đưa nạn nhân đến BV, đa số đều được sơ cấp cứu không đúng quy cách, chưa đạt yêu cầu. Do vậy công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho người làm cấp cứu ban đầu cần được quan tâm hơn nữa.

20150825_085954
Cần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, khi xảy ra TNGT, để đáp ứng và thực hiện cấp cứu nạn nhân trong “thời gian vàng” trước khi đến BV là rất khó. Bởi vì, cấp cứu tại hiện trường phần lớn do cộng đồng thực hiện. Do vậy đa số không đạt yêu cầu về chuyên môn.

Để khắc phục thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác sơ cấp cứu đối với người bị tai nạn giao thông thì cần đồng bộ hóa công tác tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở khi triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn sau khi có tai nạn giao thông xảy ra. Đặc biệt, cần chú trọng hơn nữa tới vấn đề chính hiện tại là từng bước  nâng cao được hệ quản lý thông tin liên lạc như: đội ngũ cấp cứu tại các trung tâm hoặc trạm cấp cứu trên Quốc lộ, các khoa cấp cứu, các bệnh viện gần nhất.

Ý kiến của bạn

Bình luận