Cấp bách giải bài toán ùn tắc giao thông vào cảng Cát Lái

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/11/2023 06:58

Tình hình ùn tắc giao thông, dồn ứ hàng hóa tại khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu khi phương tiện lưu thông ra vào cảng gia tăng, vượt quá khả năng của hệ thống hạ tầng giao thông cảng.


Cấp bách giải bài toán ùn tắc giao thông vào cảng Cát Lái- Ảnh 1.

Giao thông ùn tắc tại tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái

Cảng lớn - đường nhỏ

Vừa qua, Công an TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh phản ánh tình hình ùn tắc giao thông, dồn ứ hàng hóa tại khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu. Các phương tiện lưu thông di chuyển ra vào cảng gia tăng, vượt quá khả năng của hệ thống hạ tầng giao thông cảng.

Cụ thể, tình trạng ùn ứ gây tắc nghẽn trong khu vực được đánh giá do một số nguyên nhân như: Cảng Cát Lái nằm trên tuyến đường Nguyễn Thị Định, là nơi tập trung hơn 70% lượng container xuất, nhập khẩu của cả nước. Lượng xe container ra vào cảng Cát Lái quá nhiều, bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm, cá biệt có thời điểm lưu lượng tăng rất cao, khiến đường Nguyễn Thị Định bị quá tải trầm trọng.

Cảng Cát Lái có 5 cổng giao nhận hàng với khoảng 19.000 - 20.000 phương tiện lưu thông mỗi ngày qua các tuyến chính là Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh. Trong đó, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu dẫn vào cảng Phú Hữu (khu bến C của cảng Cát Lái mở rộng) được gọi là "con đường tử thần" vì thường xuyên xảy ra tai nạn. Tuyến đường dài 1,6 km, rộng 7 m và không có dải phân cách. Vì vậy, xe container, ô tô, xe máy lưu thông bất tiện, xảy ra xung đột vì lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu. Vào giờ cao điểm, xe container, xe tải lớn, ô tô nối đuôi nhau kéo dài nhiều km ở nút giao An Phú (TP. Thủ Đức) để vào cảng Cát Lái thông qua đường Đồng Văn Cống.

Bên cạnh đó, khoảng đầu tháng 8/2023 đến nay, cụm cảng Trường Thọ (cảng Phước Long ICD 3, cảng Tây Nam, cảng Transimex, Sotrans, Phúc Long…) hạn chế hoạt động, lượng hàng hóa và phương tiện trước đây tập trung ở cụm cảng Trường Thọ đã chuyển sang cảng Cát Lái, do đó số lượng phương tiện tăng đột biến về cảng Cát Lái làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT tại khu vực trong thời gian gần đây.

Hiện nay, do hàng hóa thông quan phải có phiếu cân nên các phương tiện di chuyển vào trạm cân Quốc Thịnh nhiều dẫn đến tình trạng thường xuyên xung đột giao thông tại khu vực ra vào trạm với đường Nguyễn Thị Định, ảnh hưởng đến dòng xe ra, vào cảng Cát Lái.

Đồng thời, vào khung thời gian từ 0h đến 6h sáng hôm sau, khả năng thông quan của cảng chậm hơn do giảm số cửa thông quan và giảm cả số lượng nhân viên làm thủ tục. Việc bố trí nhân viên trong cảng chưa hợp lý, không đủ bãi chứa container, thiết bị phục vụ hạn chế, cộng thêm các sự cố giao thông phát sinh... đã dẫn đến tình trạng các phương tiện phải dừng chờ phía ngoài cổng cảng, gây ùn ứ kéo dài ra khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến sự đi lại của người dân.

Trên cơ sở đó, Công an TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở GTVT Thành phố nghiên cứu thực hiện một số nội dung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông như: Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đường Nguyễn Thị Định; làm đường mới kết nối từ khu vực cảng Phú Hữu ra đường Võ Chí Công; tổ chức lại giao thông khu vực ra, vào trạm cân Quốc Thịnh và bố trí các bãi đất trống chưa sử dụng để làm nơi chứa phương tiện khi khu vực cảng bị sự cố.

Đồng thời, các ngành chức năng phối hợp với doanh nghiệp trong khu vực cảng có phương án, kịch bản xử lý các sự cố bên trong cảng, đặc biệt phải chuẩn bị đủ trang thiết bị, nhân lực, không để các sự cố trong cảng gây ra tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, ATGT, gây bức xúc cho người dân lưu thông qua khu vực.

Cấp bách giải bài toán ùn tắc giao thông vào cảng Cát Lái- Ảnh 2.

Cảng Cát Lái

Triển khai các dự án mang tính kết nối

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã lập dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định, xây dựng nút giao Mỹ Thủy, An Phú, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh... nhằm giải quyết tình trạng giao thông quanh khu vực cảng Cát Lái. Tuy nhiên, hiện TP. Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường như Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, do đó phải dừng một số dự án như đường Nguyễn Thị Định, đường Nguyễn Duy Trinh và chưa bố trí vốn. Bên cạnh đó, việc triển khai nút giao Mỹ Thủy và khép kín đường Vành đai 2 vẫn đang vướng giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, dự án xây dựng nút giao thông An Phú là công trình trọng điểm, được kỳ vọng sẽ đảm bảo giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía Đông cũng như cảng Cát Lái. Nút giao có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, gồm 3 tầng: Hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Bên cạnh đó, khi đoạn 1 của Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu (đường Võ Chí Công) đến Xa lộ Hà Nội được khép kín sẽ tăng khả năng kết nối cảng Cát Lái với các trung tâm sản xuất ở phía Đông như Khu công nghệ cao TP. Thủ Đức và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đoạn này có chiều dài 3,8 km với tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - Vành đai 3 với tổng mức đầu tư là 8.000 tỷ đồng. Theo đó, tuyến đường dự kiến có chiều dài khoảng 6 km, rộng 60 m với 12 làn xe, vận tốc cho phép đạt 60 km/h. Khi hình thành, tuyến đường sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông, kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, sử dụng đất quanh cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu.

"Việc thu phí hạ tầng cảng biển được triển khai từ ngày 1/4/2022. Thời gian qua, Sở GTVT và các sở, ngành của Thành phố đã thực hiện nghiêm túc, từ nguồn thu phí cảng biển sẽ tái đầu tư vào các công trình giao thông để đảm bảo kết nối vào khu vực cảng biển nói trên", ông Bằng thông tin thêm.

Việc Thành phố sử dụng nguồn thu này để tái đầu tư mở rộng đường sá, kết nối hạ tầng khu vực xung quanh các cảng được đánh giá là chủ trương đúng nhưng vẫn chưa đủ vì nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn thu có giới hạn. Do vậy, vấn đề đặt ra lúc này là Thành phố và các địa phương trong vùng cần có sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm, xây dựng các tuyến đường bộ, đường thủy trọng điểm kết nối với các cảng; không thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm, vừa manh mún, không đồng bộ, vừa không tập trung được nguồn lực đầu tư.