Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính

Thị trường 01/02/2017 10:12

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào khai thác là động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng. Đây là con đường hiện đại nhất Việt Nam, với cơ chế đầu tư đặc thù, mở ra nhiều triển vọng và kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng giao thông ở nước ta hiện nay. Để có cái nhìn tổng quan về những mặt đã thực hiện được và những khó khăn cần tháo gỡ cho nhà đầu tư, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).

 

DJI_0111nutduong10haiphong

PV: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác một năm, ông đánh giá thế nào về chất lượng của công trình?

Ông Đào Văn Chiến: Có thể nói chất lượng công trình đến thời điểm này tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề nhỏ. Hiện nay, đường vẫn đang nằm trong thời gian lún dư cho phép, tại các đầu cầu vẫn có lún một vài vị trí trong phạm vi cho phép. Vi trí nào không đảm bảo ATGT, VIDIFI đã yêu cầu các nhà thầu sửa chữa thảm bù, đảm bảo xe lưu thông êm thuận. Toàn bộ tuyến đường được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu đánh giá cao và đưa vào sử dụng hơn một năm nay. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn tuyến chưa có sự cố gì đặc biệt, ngay cả hằn lún vệt bánh xe cũng chưa thấy, chất lượng công trình sau một năm vận hành là tương đối tốt. Đặc biệt ở dự án này, lớp nền đường được bảo hành 3 năm, lớp mặt được bảo hành 5 năm, nếu có vấn đề gì xảy ra thì các nhà thầu phải có trách nhiệm xử lý kịp thời để đảm bảo chất lượng công trình.

PV: Thưa ông, trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác, VIDIFI gặp khó khăn, vướng mắc gì và đã có những giải pháp nào để tháo gỡ?

Ông Đào Văn Chiến: Mặc dù công trình đã đưa vào khai thác được một năm nhưng trong quá trình vận hành khai thác chưa thấy điều gì bất cập. Đối với hiện tượng ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc, VIDIFI đã chủ động phối hợp với chính quyền, công an các địa phương bắt giữ, cảnh cáo một số đối tượng nhằm biện pháp răn đe. Đặc biệt, chúng tôi đã chủ động phối hợp công tác tuyên truyền giáo dục, lắp đặt hệ thống camera, loa phát thanh trên các cầu vượt để khi phát hiện các đối tượng tụ tập trên cầu là cho phát loa trực tiếp thông báo cho người đứng trên cầu phải di dời. Từ những giải pháp đồng bộ trên của VIDIFI mà hiện tượng ném đá đã giảm đáng kể.

PV: Về khả năng thu hồi hoàn vốn của tuyến đường như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Văn Chiến: Vấn đề thu hồi vốn và hoàn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, một ngày VIDIFI thu được trên 5 tỷ đồng ở cả 2 tuyến (QL5 và cao tốc). QL5 đang thu được 2,5 tỷ đồng, trước yêu cầu của Bộ GTVT là giảm 10% thì chỉ còn 2,25 tỷ đồng, còn cao tốc thu được khoảng 2,8 đến 3 tỷ đồng, còn chi trả lãi một ngày là 7 tỷ đồng. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, VIDIFI chưa thanh toán đủ cho nhà thầu, nếu giải ngân hết thì số lãi này còn tăng lên nữa. Về vấn đề tài chính của dự án, VIDIFI đã chủ động làm việc với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước để thực hiện Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/5/2015 về hỗ trợ của Nhà nước cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tối đa 39% tổng mức đầu tư của dự án, trong đó 16% VIDIFI tự lo thông qua quỹ đất, còn 23% Nhà nước phải hỗ trợ. So với các dự án đường cao tốc khác thì 23% này nhỏ hơn nhiều. Nếu VIDIFI nhận được đủ số tiền hỗ trợ của Chính phủ 23% (trong đó 300 triệu USD vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Tái thiết Đức KFW và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án - khoảng gần 4.000 tỷ đồng), thì phương án tài chính của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đảm bảo. Còn như hiện nay, VIDIFI đang phải đi vay để trả lãi, lãi chồng lãi, dư nợ ngày càng tăng, đặc biệt nếu Chính phủ hỗ trợ được tiền giải phóng mặt bằng thì chúng tôi sẽ cắt ngay được lỗ và chênh lệch thu chi.

Với khoản 300 triệu USD được vay trong vòng mấy chục năm, thực chất được chia nhỏ hàng năm thì không phải là nhiều, lãi suất vay ODA chỉ 0,5%. Quan trọng nhất đối với VIDIFI lúc này là gần 4.000 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng đã bỏ ra 7 năm nay mà Chính phủ vẫn chưa hoàn trả cho chúng tôi, mà theo quy định của Nhà nước khi thực hiện các dự án BOT là phải giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, tiền lãi vay của gần 4.000 tỷ đồng đến nay là tương đối lớn. Hiện tại, VIDIFI đang phối hợp với một số nhà đầu tư triển khai các khu công nghiệp trên dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

PV: Với kinh nghiệm phát triển hạ tầng, đặc biệt là phát triển đường cao tốc, thời gian tới VIDIFI có chiến lược gì cho phát triển hạ tầng, thưa ông?

Ông Đào Văn Chiến: Có thể nói, thông qua thực hiện dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, VIDIFI đã khẳng định được vị trí, năng lực của mình trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển đường cao tốc. Nguồn lực của VIDIFI hiện nay là con người tốt, đội ngũ đáp ứng được yêu cầu đặt ra, do đó có thể khẳng định VIDIFI đảm nhận được bất cứ công trình hạ tầng giao thông trọng điểm nào.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là vấn đề tài chính. VIDIFI là công ty con của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, việc phát triển các dự án kết cấu hạ tầng là rất khó khăn, bởi vì: Thứ nhất, vốn điều lệ của VIDIFI là 3.800 tỷ đồng thì 3.200 tỷ đồng đã đầu tư vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam dành cho VIDIFI chiếm khoảng 10% dư nợ (30.000 tỷ đồng trên tổng 300.000 tỷ đồng vốn vay dự nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Do đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam khó có thể tiếp tục cho VIDIFI vay tiếp, bởi vì “vướng” vào vốn điều lệ, vốn vay, vốn góp của Nhà nước đều rơi vào tình trạng khó khăn. Còn vốn vay các ngân hàng thương mại hiện nay là rất khó bởi các ngân hàng đang khép dần nguồn vốn vay trung và dài hạn lại để đảm bảo an toàn hệ thống.

Chính vì vậy, VIDIFI phải bán được đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thu hồi được vốn điều lệ, vốn vay ngân hàng, tạo tiền đề vững mạnh về tài chính để có thể đầu tư tiếp các dự án khác. Về việc thực hiện các dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ chỉ đảm nhận những dự án trọng điểm Nhà nước. Đối với các dự án được Thủ tướng Chính phủ giao, dự án trọng điểm trong thời gian tới đây, chúng tôi cần cơ chế rõ ràng ngay từ ban đầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận