Cần sớm luật hóa thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 03/08/2023 15:40

Nhiều nội dung, con số đáng chú ý được các đại biểu trao đổi tại cuộc họp chuyên đề khoa học về thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên ôtô diễn ra vào sáng nay (3/8).

Cân nhắc lộ trình “luật hóa” thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô - Ảnh 1.

Cuộc họp chuyên đề khoa học Thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên ôtô diễn ra sáng 3/8 tại TP. Hà Nội

 Luật hóa có thể giúp 15 triệu trẻ em hưởng lợi

Sáng 3/8 tại TP.Hà Nội đã diễn ra cuộc họp chuyên đề khoa học Thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên ôtô. Sự kiện do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP), Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) phối hợp tổ chức, với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ATGT.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận sâu về những thông tin khoa học cập nhật, lợi ích và các khuyến cáo thiết thực về thiết bị an toàn (TBAT) cho trẻ em trên xe ô tô để hiểu rõ hơn về bối cảnh ATGT đường bộ trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng.  

Nổi bật tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều trao đổi liên quan tới các quy định trong dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Theo đó, dự thảo luật đề xuất trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế người lái khi tham gia giao thông; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

Đây là quy định mới, tăng cường bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe ô tô. Trước đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 mới chỉ có quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe máy, còn với trẻ em ngồi trên ô tô thì gần như chưa có quy định hướng dẫn.

Thông tin tại cuộc họp, các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81%/năm và giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35 đến 72%, đồng thời có thể giảm các chấn thương khác của trẻ từ 25 đến 58% trong các vụ va chạm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ dùng dây an toàn của người lớn. Trong khi đó, thiết bị an toàn thông thường cho trẻ em ở lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi (thường là các ghế nâng để trẻ dùng dây an toàn trong xe) giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với những trẻ không sử dụng.

Việc sử dụng TBAT hiệu quả nâng cao mức độ an toàn bảo vệ trẻ em và có hiệu quả kinh tế cao. Khi đầu tư một TBAT khoảng 1,1 triệu đồng (46 USD) có thể giúp tiết kiệm 3,34 triệu đồng (140 USD) chi phí y tế, 11,23 triệu đồng (470 USD) thu nhập trong tương lai và 31 triệu đồng (1.300 USD) chi phí về chất lượng cuộc sống. Ước chừng có khoảng 15 triệu trẻ em từ 0 đến 12 tuổi sẽ được hưởng lợi từ quy định này.

Trao đổi tại buổi họp, các đại biểu chia sẻ, việc đưa các quy định về TBAT cho trẻ em vào dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ là cần thiết trong bối cảnh tốc độ sở hữu ô tô ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, dự thảo còn chưa đề cập đến nhóm trẻ em còn lại nằm trong nguy cơ cao. Vì vậy, cần cân nhắc về lộ trình độ tuổi và chiều cao của trẻ em cần sử dụng TBAT trên xe ô tô.

Một số hình ảnh tại cuộc họp

Chi phí không lớn, có thể ngăn hàng nghìn người thiệt mạng

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên tình hình trật tự ATGT trong những năm qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số vụ, số người chết và bị thương vì va chạm giao thông vẫn còn ở mức cao. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp mạnh và hiệu quả hơn để kéo giảm số vụ va chạm giao thông trong thời gian tới.

Các đại biểu đánh giá yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong ATGT. Trong yếu tố con người, những hành vi có nguy cơ cao dẫn tới va chạm giao thông và hậu quả lớn cần được quản lý một cách chặt chẽ, bao gồm không thắt dây an toàn và không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em.

Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, việc có những quy định mới để bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông là điều hết sức cần thiết.

Để kéo giảm sâu số vụ va chạm giao thông trong thời gian tới, có hàng loạt các giải pháp đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên hiệu quả nhất là những giải pháp quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới va chạm giao thông và hậu quả lớn.

Về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, nên áp dụng Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và quy định khi chở trẻ em có chiều cao dưới 1,35m và độ tuổi dưới 12 tuổi trên xe ô tô cá nhân phải dùng thiết bị an toàn phù hợp dành cho trẻ em. Cấm trẻ em có chiều cao dưới 1,35m và dưới 12 tuổi ngồi ở hàng ghế của người lái xe.

Cùng với đó, người lái xe ô tô cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy tắc này; Bổ sung quy định với phương tiện cần có ISOFIX và hướng dẫn lắp đặt; bổ sung mức xử phạt với lái xe cá nhân không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô; cho phép lực lượng chức năng có quyền dừng xe xử phạt khi phát hiện hành vi không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô (lỗi chính).

Một số mẫu thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

Về dây an toàn trên xe ô tô, cần yêu cầu tất cả các ghế trên xe ô tô đều phải có dây an toàn; yêu cầu tất cả các người trên xe ô tô (gồm cả lái xe và hành khách cả ghế trước và ghế sau) đều phải thắt dây an toàn; người trưởng thành chịu trách nhiệm về việc hành khách phải thắt dây an toàn trên xe ô tô.

Người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm người chưa trưởng thành (dưới 18 tuổi) trên xe ô tô phải thắt dây an toàn; ban hành quy chuẩn với dây an toàn và hướng dẫn lắp đặt bổ sung với các xe cũ, đưa lỗi không thắt dây an toàn thành lỗi chính và lực lượng chức năng được dừng xe khi phát hiện lỗi này.

Việc thực hiện những giải pháp trên không đòi hỏi chi phí lớn nhưng đem lại hiệu quả rất cao, có thể giúp kéo giảm hàng nghìn người thiệt mạng do va chạm giao thông mỗi năm tại Việt Nam, góp phần đắc lực trong việc thực hiện thành công mục tiêu kéo giảm các va chạm giao thông trong các nghị quyết về ATGT đường bộ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.