Cần quy hoạch khớp nối giao thông phía Bắc với cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng

Tác giả: P/V

saosaosaosaosao
Hàng hải 28/12/2021 13:14

Sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch không gian đô thị, giao thông của Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.


"Cần điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị, đẩy nhanh xây dựng cảng Liên Chiểu, khớp nối giao thông phía tây bắc thành phố với cảng Liên Chiểu" là những nội dung được đưa ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều nay (17/12).

vov_toan_canh_da_nang_anh_le_hai_son_ikvj

Đà Nẵng cần quy hoạch khớp nối giao thông phía bắc với cảng Liên Chiểu

Năm 1997, thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực Trung ương. Địa phương này đã triển khai quy hoạch tổng thể thành phố đến 2020, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể, bổ sung phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không gian đô thị của Đà Nẵng được mở rộng gấp nhiều lần.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo cơ hội cho Đà Nẵng phát triển. Thời gian qua, thành phố thực hiện nhiều đồ án, loại hình quy hoạch, trong đó chú trọng quy hoạch không gian đô thị, sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội... Tuy nhiên, để Đà Nẵng thể hiện là vai trò động lực có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên, sớm trở thành đô thị lớn của cả nước, quy hoạch của thành phố không còn phù hợp, cần tiếp tục có những điều chỉnh xứng tầm hơn.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần quy hoạch không gian chuỗi đô thị ven biển từ Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Hội An (tỉnh Quảng Nam). Trong đó, phải khớp nối quy hoạch không gian đô thị vùng tam giác Đà Nẵng - Hội An và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ khơi thông sông Cổ Cò, hình thành chuỗi đô thị Đà Nẵng- Hội An để phát triển du lịch.

Tiến sỹ Trần Du lịch nêu ý kiến: “Nếu như sông Cổ Cò khai thông được, qui hoạch không gian đô thị 2 bên sông tương xứng thì nó sẽ giống sông Seine của Pháp đẹp lung linh, từ Đà Nẵng về Hội An. Ngoài ra, khi bố trí không gian đô thị và qui hoạch thì Đà Nẵng làm riêng, Quảng Nam làm riêng, nhưng hai địa phương này phải liên kết làm sao có chồng ghép phân bố toàn bộ đô thị trên địa bàn này".

Hiện nay, giao thông ở Đà Nẵng đã bộc lộ một số bất cập, ùn tắc giao thông ngày càng tăng, cần phải điều chỉnh quy hoạch và có giải pháp mới cho phát triển giao thông. Kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng cho rằng, quy hoạch giao thông bao giờ phải đi trước một bước để mở đường cho các ngành khác phát triển. Hiện, giữa lòng thành phố có một sân bay chiếm diện tích khá lớn, ngăn cản sự đi lại theo hướng Đông - Tây, cần sớm triển khai làm hầm chui qua sân bay Đà Nẵng.

Theo kỹ sư Trần Dân, năm 2022 thành phố sẽ khởi công cảng Liên Chiểu, vì vậy sớm có cuộc khảo sát vùng phía Tây - Bắc, quy hoạch chi tiết vùng đất cảng, nhà ga hàng hóa đường sắt tương lai, hầm đường sắt cao tốc; đồng thời sớm qui hoạch khớp nối giao thông phía Bắc với cảng Liên Chiểu.

“Cảng Liên Chiểu do nguồn lực kinh tế cho nên xây dựng quá chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, giải phóng hàng hóa, việc giảm bớt áp lực giao thông đường Ngô Quyền chưa đạt yêu cầu. Do đó, cần tập trung làm nhanh cảng Liên Chiểu, sớm qui hoạch vùng cảng Liên Chiểu, trong đó có cảng, bãi hàng hóa của đường sắt, đường bộ, đường cao tốc xuyên việt. Theo quan điểm của tôi, 5 năm tới trọng tâm tập trung vào khu vực Liên Chiểu" - kỹ sư Trần Dân cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận