Cần một cảng lớn “cứu” hàng hoá 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 13/12/2018 06:07

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, 13 tỉnh ĐBSCL không có một cảng lớn, tất cả hàng hóa đều phải chuyển từ TP.HCM là một bất cập lớn

1C6E1BBB-16F5-4E79-8DEF-878F38321809.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị

Ngày 12/12, tại Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội nghị “Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng”. Đại diện lãnh đạo các tỉnh và ngành Giao thông Vận tải 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã về dự. Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải và ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng chủ trì Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Mục tiêu của Hội nghị này là nhằm rà soát, đánh giá hiệu quả khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng của Vùng, đưa ra được các bất cập, xác định các nguyên nhân, điểm nghẽn cần giải quyết để nâng cao hiệu quả khai thác. Đề xuất ra phương án, giải pháp kết nối hạ tầng giao thông vận tải các tỉnh trong Vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thủy nội địa, đường biển. Đề xuất ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 và về lâu dài.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hiện nay 13 tỉnh ĐBSCL không có một cảng lớn, tất cả hàng hóa đều phải chuyển từ TP.HCM hoặc vùng Đông Nam Bộ về. Nếu có cảng biển, sân bay tốt, ĐBSCL sẽ có cơ hội phát triển thành 1 điểm tập kết, xuất nhập hàng hoá cho khu vực, giảm thiểu chi phí vận tải, giảm ùn tắc và TNGT”, Bộ trưởng  lưu ý việc  chọn lựa, đề xuất các danh mục dự án và ưu tiên đầu tư các dự án có tính chất kết nối cùng cao, tháo gỡ các điểm nghẽn tại các vùng.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL gồm 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang. Do nguồn lực hạn hẹp nên các tuyến trục dọc, trục ngang và một số tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy lên tới 14.826,4km, toàn vùng có tới 57 cảng thuỷ nội địa và 3.988 bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thuỷ nội địa lớn trong vùng.

Theo đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 4 phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không). Hoạt động vận tải hàng hóa vùng ĐBSCL được thống kê trong năm 2017 đạt 131,7 triệu tấn hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,2%/năm giai đoạn 2010-2017. Trong đó vận tải hàng hóa bằng đường thủy là chủ đạo chiếm 70%; Vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 30%. Đối với hoạt động vận tải hành khách Vùng ĐBSCL đạt 707,7 triệu lượt người năm 2017, tăng trưởng bình quân 3,4% năm giai đoạn 2010-2017. Trong đó vận tải hành khách đường bộ là chủ yếu chiếm 83,4%. Vận tải hành khách đường thủy nội địa tương đối phát triển so với các vùng khác trên cả nước với thị phần chiếm 16,6%. Về vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách đối với đường hàng không còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ chưa tương xứng vứi tiềm năng của khu vực với khoảng 19 triệu dân và lượng hàng hóa khá lớn.

5EC981EF-73CA-46E0-8B61-066BB18CEAB1.

Toàn cảnh hội nghị tại Sóc Trăng

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóp góp, đề xuất xoay quanh việc cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và quốc tế trong quy hoạch dài hạn, phù hợp với điều kiện khu vực ĐBSCL trên cả 4 hình thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không. Đặc biệt, trước nhu cầu lưu thông nhanh chóng, tiện lợi cho người và hàng hóa, việc cần đẩy mạnh mở mới các tuyến đường cao tốc trong vùng cũng như nâng cấp các tuyến huyết mạch trong vùng là rất cần thiết. Thực tế gần đây đã xuất hiện những điểm nghẽn giao thông gây ách tắc cục bộ, quốc lộ 1A thì nhiều đoạn xuống cấp, ngập sâu mỗi khi thủy triều dâng cao, một số tuyến đường quan trọng hoặc cầu qua sông chưa được kết nối dẫn tới chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực. 

Để đáp ứng yêu cầu thu hút, kêu gọi đầu tư một cảng có tính chất cửa ngõ Vùng ĐBSCL phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực, việc lập điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng là cảng biển loại IA, cảng biển cửa ngõ cho khu vực ĐBSCL với bến cảng chính là bến cảng Trần Đề, đáp ứng cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho Vùng ĐBSCL để bổ sung vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6 là hợp lý và cần thiết đã được tỉnh Sóc Trăng đề xuất, Bộ giao thông Vận tải đồng thuận vì so với các cảng biển còn lại ở Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thì xây dựng cảng nước sâu cho toàn vùng tại cửa biển Trần Đề, Sóc Trăng là thuận lợi nhất vì nằm ở vị trí trung tâm của vùng, ngay cửa sông Hậu, gần thành phố Cần Thơ, sẵn có tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối lưu thông hàng hóa thuận tiện… 

Việc hoạch địch quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng – bến cảng Trần Đề phù hợp với định hướng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 423/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 “Nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề thành cảng đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại cửa sông Hậu”; Cập nhật vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6 làm cơ sở cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư cảng có tính chất cửa ngõ Vùng ĐBSCL; bố trí quỹ đất, quy hoạch hạ tầng kết nối và lập kế hoạch quản lý khai thác các vùng đất, mặt nước phát triển cảng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng thu nhập đầu người còn thấp, chậm phát triển so các vùng miền trong cả nước. Muốn phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân, một trong những yêu cầu bức thiết trước mắt là cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, tháo gỡ những điểm nghẽn giao thông cho vùng ĐBSCL. Theo đó, cần sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; hoàn thiện một số tuyến quốc lộ như đường N2 (đoạn Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh), quốc lộ 60 (đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên); đầu tư cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng với Trà Vinh và cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp mở rộng sân bay Cần Thơ và đặc biệt rất cần có cảng nước sâu cho cả vùng ĐBSCL làm điểm tập kết hàng hóa, giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh phát triển cho cả vùng.

Ý kiến của bạn

Bình luận