Cần giải pháp tổng thể, đồng bộ để kéo giảm chi phí logistics

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/04/2018 14:59

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông sáng 16/4.


HIEU4525
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Trao đổi tại Hội nghị, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Du lịch Việt nam cho rằng, các điều kiện kinh doanh được điều chỉnh theo các điều kiện đầu tư, kinh doanh pháp luật chuyên ngành. Vì vậy không thể có một điều kiện chung áp dụng cho tất cả các hoạt động logistics – đây là một trong nhưng vướng mắc khiến hoạt động logistics gặp khó khăn. Do đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển, cần rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh nhằm bãi bỏ những điều kiện có tính áp đặt về quy mô, cản trở các chủ thể kinh doanh ra nhập thị trường; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp hành chính vào vấn đề do thị trường điều chỉnh; đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng sự phát triển.

Còn ông Achim Fock – Giám đốc điều phối dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) lại kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy những hạ tầng phục vụ thương mại cũng như kết nối giao thông; xây dựng ngành logistics có tính cạnh tranh về dịch vụ… Những giải pháp này đòi hỏi sự phối kết hợp từ nhiều bộ, ban, ngành vì vậy cần thúc đẩy sự phối kết hợp giữa các bộ ban ngành và khối tư nhân.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, nâng cao sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế thì cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và có lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ là phần đầu tư cứng, cần nhiều tiền và các giải pháp giảm chi phí cần ít tiền, thậm chí không dùng tiền như những chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính, quản lý doanh nghiệp, điều hành cũng cần phải khắc phục những hạn chế.

Trước thực trạng hiện nay, Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành rà soát lại tất cả các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động logistics, sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm đảm bảo đồng bộ, minh bạch, tháo gỡ rào cản, giảm chi phí liên quan đến hoạt động logistics như về điều kiện kinh doanh, thuế, giá, phí, hải quan…Hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung pháp luật thì gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, quan chức, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại những quy hoạch hạ tầng giao thông để điều chỉnh đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải cả nội địa và quốc tế; tùy theo đặc điểm mỗi vùng phát triển loại hình giao thông; kết nối các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế; gắn quy hoạch hạ tầng giao thông với tái cấu trúc kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Các bộ ngành cần xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn trên cơ sở quy hoạch để cụ thể hóa từ đó lựa chọn các dự án ưu tiên trọng điểm để tháo gỡ điểm đen về hạ tầng giao thông từ trung ương đến địa phương.

Theo Phó thủ tướng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, trong hoạt động kinh doanh logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động logistics. Đồng thời nâng cao năng lực các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, tăng cường tính kết nối, hỗ trợ liên kết khắc phục yếu kém, nâng  cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và đặc biệt, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động của mình. Các đơn vị cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý nhà nước, điều hành doanh nghiệp.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hội nghị logistics rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề do các đại biểu trao đổi như giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng còn bổ sung thêm một vấn đề nữa cần chấn chỉnh vấn đề “vô thời hạn”. Theo Thủ tướng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vấn đề này thì sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.

Thủ tướng nêu rõ, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Theo Thủ tướng, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, một khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam.

"Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên", Thủ tướng nhấn mạnh.

GettyImages-880123956_1

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này. Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm, kiểm tra rủi ro chứ không phải kiểm tra đồng loạt. Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành Giao thông vận tải và Công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT 10 nhiệm vụ, Bộ Công Thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Ý kiến của bạn

Bình luận