Cần đầu tư thêm 171km để nối thông đường Hồ Chí Minh

Tác giả: Đài Sơn

saosaosaosaosao
Đường bộ 02/03/2023 11:02

Dự án đường Hồ Chí Minh còn khoảng 171km chưa đầu tư xây dựng, gồm: Đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.


Đường Hồ Chí Minh đang triển khai thế nào? - Ảnh 1.

Đường Hồ Chí Minh qua khu vực huyện Lạc Sơn (Hòa Bình)

Tăng tốc chuẩn bị đầu tư 171km

Theo thông tin từ Bộ GTVT, cuối tháng 2/2023, dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.465km/2.744km đạt 89,8% và khoảng 258km tuyến nhánh. Dự án đang triển khai 108km, thi công đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ; đang lập hồ sơ thiết kế, dự toán đoạn Hoà Liên - Tuý Loan và hoàn thiện dự án đầu tư đoạn Chơn Thành - Đức Hoà; Khoảng 171km còn lại gồm: Đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Trong đó, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn đã được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hoàn thiện, trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang hoàn chỉnh thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng qua khu vực các tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định hiện hành (bao gồm cả chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng). Theo đó, phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng ngay trong bước đề xuất chủ trương đầu tư theo đúng Nghị định 83/2020.

Theo Bộ GTVT, dự kiến hoàn thiện thủ tục về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý III/2023; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý IV/2023; khởi công quý I/2024, cơ bản hoàn thành quý IV/2025.

Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hoàn thành thẩm định chủ trương đầu tư dự án.

Còn lại, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đã được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hoàn thiện, trình Bộ GTVT thực hiện công tác thẩm định nội bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định dự án số 9500 ngày 27/12/2022. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 2/2023. 

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 2/2023; Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý II/2023; khởi công quý IV/2023, hoàn thành trong năm 2025.

Đường Hồ Chí Minh đang triển khai thế nào? - Ảnh 2.

Đoạn La Sơn - Túy Loan trên đường Hồ Chí Minh.

Cấp thiết đầu tư 3 đoạn tuyến còn lại

Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 làn xe là 99.170 tỷ đồng. Về tình hình bố trí vốn của dự án đến nay, Bộ GTVT cho biết, các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng, gồm vốn NSNN là 66.330 tỷ; vốn huy động theo hình thức BOT là 10.585 tỷ đồng, hình thức BT là 11.485 tỷ đồng.

Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã cân đối và bố trí đủ để đầu tư các dự án thành phần là 79.022 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 đã bố trí 62.316 tỷ đồng (nguồn vốn NSNN 43.728 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng).

Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn NSNN phân bổ cho Bộ GTVT, gồm: 4.677 tỷ đồng cho dự án chuyển tiếp (dự án Cam Lộ - La Sơn); 4.686 tỷ đồng khởi công mới 2 dự án thành phần là đoạn Hòa Liên - Túy Loan (1.902 tỷ đồng) và đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (2.785,6 tỷ đồng); 7.343 tỷ đồng thanh toán dự án La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT. Cùng với đó là 1.600 tỷ đồng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ (thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ).

Tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần để đầu tư nối thông tuyến theo quy mô tối thiểu 2 làn xe khoảng 10.769 tỷ đồng; trong đó 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư để nối thông tuyến có tổng mức đầu tư khoảng 5.569 tỷ đồng.

Việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách trong giai đoạn 2013 - 2020 đã góp phần đáng kể hoàn thành cơ bản mục tiêu thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong bối cảnh nguồn lực ngân sách rất hạn hẹp
Bộ GTVT

Cũng theo Bộ GTVT, do hệ thống pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư chưa hoàn thiện nên đã phát sinh một số bất cập và đang được Chính phủ từng bước xử lý.

Đã bố trí được hơn 16 nghìn tỷ đồng 

Đề cập đến kế hoạch triển khai và nhu cầu vốn đầu tư, Bộ GTVT cho biết, đến năm 2025, hoàn thành việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận theo quy mô 2 làn xe bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ GTVT, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng QL32 và QL21.

Cùng với đó là triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đường Hồ Chí Minh đang triển khai thế nào? - Ảnh 4.

Thi công đường Hồ Chi Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai

Về nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết, để triển khai hoàn thành các dự án đang đầu tư và khởi công mới 2 dự án thành phần nối thông tuyến quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư 22.276 tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí được 16.706 tỷ đồng cho các dự án thành phần đã và đang triển khai.

Đồng thời ưu tiên đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (28,5km) và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km) với tổng mức đầu tư khoảng 5.569 tỷ đồng; nhu cầu vốn để cơ bản hoàn thành năm 2025 khoảng 4.450 tỷ đồng (80% tổng mức đầu tư của 2 dự án; 20% phần dự phòng, giá trị chờ quyết toán sẽ thanh toán sau).

Hướng tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau)

Hướng tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau)

Để đảm bảo cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư 2 dự án thành phần ưu tiên nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT. 

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, hạn chế tối đa việc sử dụng dự phòng, chi phí trượt giá; xem xét giãn tiến độ triển khai đối với một số dự án mới, chưa quá cấp thiết; bố trí đủ 4.450 tỷ đồng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 triển khai 2 dự án.

Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thầm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và điều chỉnh, bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cũng theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2026 - 2030, kế hoạch triển khai và nhu cầu vốn đầu tư của các dự án trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ cân đối trong tổng nhu cầu kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến.

Đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khoá XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại Nghị quyết 38/2004. Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai dự án, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết 66/2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 38/2004/QH11.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết 63/2022/QH15 cho phép gia hạn đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe trên cơ sở sử dụng QL32 và QL21 với tổng chiều dài khoảng 2.744 km.


Ý kiến của bạn

Bình luận