Cần cơ chế thông thoáng cho công tác bảo trì đường bộ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 02/08/2019 08:53

Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) đi vào hoạt động, công tác quản lý, bảo trì quốc lộ đã từng bước được nâng cao. Mặc dù nguồn vốn cho công tác bảo trì chưa đáp ứng nhu cầu nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đã sử dụng Quỹ một cách căn cơ, bài bản, tiết kiệm, phát huy hiệu quả nguồn vốn bảo trì, hướng tới những giải pháp duy trì và kéo dài tuổi thọ công trình, đảm bảo các tuyến đường hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Anh bai 3-2

Quỹ BTĐB chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách

Hiện nay, cơ chế, chính sách về quản lý, BTĐB cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện quyền quản lý; có sự phân công, phân cấp rõ về trách nhiệm của các cơ quan. Cụ thể: Quỹ BTĐB được hình thành năm 2012 trên cơ sở Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ. Quỹ BTĐB có thể huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ cùng với nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước bổ sung hằng năm sẽ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu BTĐB và chủ động ứng phó đảm bảo ATGT. 

Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, các cơ quan được giao kinh phí của Quỹ có trách nhiệm triển khai việc đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch cho các đơn vị quản lý, bảo trì công trình đường bộ theo quy định. Theo đó, Tổng cục ĐBVN không còn giữ vai trò chủ quản đối với các doanh nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ. Việc các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bảo trì hệ thống đường bộ trực thuộc Tổng cục ĐBVN nay được chuyển khỏi Tổng cục là bước đi phù hợp. Quan hệ qua hợp đồng giữa Tổng cục ĐBVN và các công ty quản lý sửa chữa đường bộ đã đủ điều kiện pháp lý công khai minh bạch để thực hiện đầy đủ mối quan hệ giữa chủ đầu tư với các nhà thầu quản lý BTĐB.

Như chúng ta đã biết, nguồn hình thành Quỹ bao gồm: Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên phương tiện giao thông cơ giới; ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ: Ngân sách Trung ương cấp bổ sung cho Quỹ Trung ương, ngân sách cấp tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ địa phương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. 

Về nguồn vốn Quỹ BTĐB, tháng 8/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Phí và lệ phí và Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Phí và lệ phí. Theo đó tại mục 3, Điều 4, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định: “Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, do trước đó Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2017 nên tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội quyết nghị từ năm 2017 nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) được phản ánh trong thu cân đối ngân sách nhà nước, sử dụng để duy tu, BTĐB. Kể từ năm 2013, khi Quỹ BTĐB đi vào hoạt động, ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương đã được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách các cấp trong việc cân đối cho công tác BTĐB.

Theo quy định, nguồn tài chính của Quỹ BTĐB được hình thành từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện là ô tô, từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định. Hiện tại, do chưa huy động được các nguồn thu hợp pháp khác nên nguồn của Quỹ BTĐB được hình thành từ hai nguồn: Thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ô tô và ngân sách Nhà nước cấp bổ sung. Nguồn kinh phí của Quỹ hàng năm được phân chia theo nguyên tắc như sau: (1) Để chi cho Quỹ BTĐB Trung ương = Số thu phí sử dụng đường bộ x 65% + Ngân sách cấp; (2) để phân chia cho các Quỹ địa phương = Số thu phí sử dụng đường bộ x 35%. 

Nâng cao chất lượng quản lý, xã hội hóa công tác đấu thầu BTĐB

Anh bai 2

Đối với chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, BTĐB, ngày 26/12/2012 Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3354/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013 - 2020” với mục tiêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Đề án cũng đã đề ra một số nhiệm vụ đột phá về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, khai thác và BTĐB trong giai đoạn 2013 - 2020, cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý, điều hành; tăng cường năng lực kiểm định, đánh giá chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (bao gồm cả đào tạo tư vấn giám sát); triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thí nghiệm Quốc gia ngành GTVT; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế các công trình đường ô tô cao tốc, đường ô tô cấp cao, đường đô thị; nghiên cứu triển khai các giải pháp công nghệ mới tăng cường ATGT…

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức thực hiện theo định hướng xã hội hóa thông qua đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ, đồng thời đổi mới phương thức thực hiện hợp đồng quản lý duy tu bảo dưỡng quốc lộ theo hướng áp dụng hợp đồng dựa trên chất lượng thực hiện, việc bảo trì tài sản đã tách bạch chủ thể quản lý với đơn vị thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch và tăng hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho công tác bảo trì. 

Trước đây, việc bảo trì tài sản hạ tầng đường bộ chủ yếu thông qua Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Đến nay, hoạt động đã được đổi mới mạnh mẽ khi việc bảo trì tài sản được thực hiện theo 3 phương thức: Nhà nước giao việc bảo trì cho chính nhà thầu thi công xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, giảm chi phí bảo trì sau này; bảo trì theo chất lượng; bảo trì theo khối lượng. Việc bảo trì tài sản thực hiện thông qua đấu thầu. Các doanh nghiệp bảo trì đã được cổ phần, thực hiện đấu thầu bảo trì cạnh tranh theo cơ chế thị trường. 

Bên cạnh đó, đề án cũng đề ra giải pháp thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát các hợp đồng quản lý, bảo trì; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa trong các lĩnh vực quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; tăng cường công tác quản lý và kiểm soát tải trọng xe, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đổi mới công tác xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì, hoàn thiện từng bước hệ thống văn bản QPPL về quản lý, BTĐB; xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý, BTĐB; đổi mới bộ máy tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ theo định hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, kiểm tra và giám sát các nhà thầu duy tu bảo dưỡng và quản lý tới từng địa bàn; phân cấp và tăng cường quản lý tại các đơn vị cơ sở, cơ quan quản lý cấp trên tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch và các công việc vĩ mô; xây dựng hệ thông tin quản lý kết cấu hạ tầng trên hệ thống quốc lộ và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo trì đối với quốc lộ ủy thác cho các sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, qua đó đã phát huy được lợi thế của các sở GTVT trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo trì vận hành và khai thác quốc lộ. 

Nhằm nâng cao chất lượng bảo trì quốc lộ, Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định số 2196/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2013 quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả công tác bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ theo chất lượng thực hiện; Tổng cục ĐBVN cũng cung cấp công khai trên website mẫu hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Tổng cục ĐBVN chủ trì ban hành mẫu Quy trình quản lý, khai thác và bảo trì các công trình đường bộ.  

Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung Điều 49 Luật Giao thông đường bộ theo hướng đảm bảo đủ kinh phí cho quản lý, BTĐB từ các nguồn: Thu phí sử dụng đường bộ, nguồn thu cho thuê kết cấu hạ tầng đường bộ, cấp bù từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; sửa đổi bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP quy định về Quỹ BTĐB theo hướng đảm bảo đủ kinh phí cho quản lý, BTĐB từ các nguồn: Thu phí sử dụng đường bộ, nguồn thu cho thuê kết cấu hạ tầng đường bộ, cấp bù từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, bỏ Hội đồng và Văn phòng Quỹ BTĐB; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác bảo trì để đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, kết cấu mới nhằm tăng chất lượng, tuổi thọ, giảm chi phí bảo trì; ban hành định mức cho các công việc bảo trì hiện nay nhưng đã áp dụng máy móc thiết bị thay cho nhân công lao động để tăng năng suất, giảm giá thành dẫn đến sử dụng có hiệu quả công tác bảo trì và bảo vệ sức khỏe người lao động

Ý kiến của bạn

Bình luận