Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 12/03/2024 18:56

Từ ngày 11/3, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử liên tục 32 ngày. Đây là bước cuối cùng của dự án để đưa 8,5 km đoạn trên cao vào khai thác thương mại.

Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử- Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thử toàn hệ thống từ ngày 11/3 đến 26/4/2024. Đây là bước cuối cùng trong số 8 bước thử nghiệm, căn chỉnh hệ thống trước khi đưa vào khai thác thương mại - Ảnh: MRB

Hôm qua (11/3), người dân ven trục Quốc lộ 32 đoạn từ Nhổn đến Cầu Giấy chứng kiến nhiều đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị (đang triển khai) liên tục chạy đi chạy lại trên 8,5km đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, lý do từ ngày 11/3/2024, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội chính thức bước vào giai đoạn vận hành thử toàn hệ thống. Đây là bước cuối cùng trong số 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa 8,5 km trên cao của dự án này vào vận hành, khai thác vận tải.

Vận hành thử được thực hiện trong thời gian từ 11/3 – 26/4/2024, từ 7h45 đến 16h45 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần (dự kiến tổng số ngày vận hành thử là 32 ngày). Mục tiêu của giai đoạn này là dựa trên vận hành thực tế, thực hiện quy trình toàn diện để xác minh các yếu tố vận hành bao gồm tài liệu, quy trình vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nhân sự vận hành và bảo dưỡng.

Vận hành thử là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách bằng cách đánh giá kỹ năng và kiến thức của đội ngũ nhân viên đã được đào tạo vận hành. Bước này bao gồm việc lập các bài luyện tập về vận hành; lịch trình luyện tập về vận hành; huy động nhân sự; thực hiện luyện tập và theo dõi nhân viên vận hành, bảo dưỡng.

Giai đoạn vận hành thử được chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: các bài thực hành vận hành ở chế độ bình thường - các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế - các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp. Tổng cộng có 57 kịch bản vận hành thử cho các giai đoạn này. Mỗi kịch bản sẽ được thực hiện và đánh giá dựa trên biểu mẫu đánh giá do Tư vấn Systra (tư vấn tổng thể dự án) lập và thực hiện. Biểu mẫu này bao gồm khoảng 22 tiêu chí về yếu tố kỹ thuật và vận hành để đánh giá.

Quá trình vận hành thử có sự tham gia của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư), tư vấn Systra và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị trực tiếp khai thác vận tải).

Theo đó, MRB chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện vận hành thử. Tư vấn Systra xây dựng tài liệu khung cho việc vận hành thử theo yêu cầu của hợp đồng, tổ chức vận hành thử; đảm bảo nhân sự vận hành và bảo dưỡng sử dụng thiết bị đúng cách; giám sát, hướng dẫn nhân sự trong quá trình vận hành thử (với các nhân sự đã được Systra đào tạo)

Các nhà thầu cung cấp trang thiết bị, nhân sự phối hợp, sửa chữa nếu có lỗi, bảo dưỡng. Còn Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cung cấp nhân sự vận hành và bảo dưỡng, quản lý nguồn lực này trong quá trình vận hành thử.

Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo các tiêu chuẩn châu Âu và theo yêu cầu của các quy định của Việt Nam. Đơn vị đánh giá độc lập, cấp chứng nhận an toàn hệ thống là Liên danh Apave – Bureau Veritas – Certifer và đồng hành cùng dự án từ quá trình thi công xây dựng, sẽ thực hiện công tác đánh giá và thể hiện kết quả trong 13 báo cáo đánh giá. Kết quả cuối cùng của công tác độc lập về an toàn hệ thống đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội là Chứng chỉ an toàn hệ thống.

"Trên cơ sở các đánh giá, Tư vấn Systra sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ lập hồ sơ trình Bộ GTVT để thẩm định. Kết quả thẩm định là cơ sở để xem xét đưa hệ thống đường sắt Nhổn – ga Hà Nội vào vận hành", theo chủ đầu tư.

Một số hình ảnh ngày đầu vận hành thử hệ thống: 

Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử- Ảnh 2.

Theo MRB, công tác vận hành thử (Trial Run) là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trước khi đưa dự án vào vận hành. 8 bước của dự án bao gồm: Thử nghiệm nghiệm thu tại nhà máy; Lắp đặt; Kiểm tra sau lắp đặt; Thử nghiệm đơn động; Thử nghiệm tích hợp tĩnh; Thử nghiệm tích hợp động; Chạy thử; Vận hành thử.

Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử- Ảnh 3.

Vận hành thử được chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: các bài thực hành vận hành ở chế độ bình thường; Giai đoạn 2: các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế; Giai đoạn 3: các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp. Tổng cộng có 57 kịch bản vận hành thử cho các giai đoạn này

Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử- Ảnh 4.

Quá trình vận hành thử hệ thống đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có sự đồng hành, đánh giá của đơn vị tư vấn độc lập về đánh giá an toàn là Liên danh Apave – Bureau Veritas – Certifer

Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử- Ảnh 5.

Hệ thống đạt yêu cầu về an toàn sẽ được Liên danh tư vấn Apave – Bureau Veritas – Certifer cấp Chứng chỉ an toàn, sau đó được Bộ GTVT (Cục Đường sắt VN chủ trì) thẩm định để cấp Chứng nhận an toàn hệ thống. Đây là cơ sở để đưa dự thống vào khai thác thương mại

Cận cảnh đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chính thức vận hành thử- Ảnh 6.

Đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 8,5 km, với 8 nhà ga. Sau nhiều lần trễ hẹn, dự kiến sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào tháng 6/2024