Cách thế giới bố trí nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 05/08/2019 07:55

Hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Do đó, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng đường bộ mới thì việc quản lý, bảo trì hạ tầng hiện có luôn là vấn đề được chính phủ các nước hết sức quan tâm.

 

Singapore la mot trong nhung thanh pho thu phi tac

Tại hầu hết các quốc gia, ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ trong quỹ đường bộ, phần còn lại chủ yếu là từ các khoản vay và các nguồn thu khác như: Thuế nhiên liệu, phí sử dụng đường bộ, phí môi trường…

Ở nhiều nước phát triển, phí phương tiện được dành riêng cho phát triển giao thông, trong đó được áp dụng nhiều nhất là phí nhiên liệu động cơ, phí đăng ký xe máy, phụ phí xe hạng nặng và các khoản thu khác dưới dạng thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Mỹ, gần 90% doanh thu của Quỹ Ủy thác Đường cao tốc Liên bang Hoa Kỳ đến từ thuế xăng dầu. Các nguồn khác đến từ thuế sử dụng xe hạng nặng, xe bán tải, xe kéo và xe tải. Một số tiểu bang có nhiều hình thức gây quỹ khác như: Phí đăng ký xe, thuế bán hàng, trái phiếu và ngân sách của bang. Tại Đức trước năm 1990, vốn đầu tư xây dựng và bảo trì cao tốc chủ yếu là nhờ ngân sách liên bang. Đến năm 1995, Chính phủ Đức bắt đầu áp thuế xe tải hạng nặng từ 12 tấn trở lên theo thời gian sử dụng trên toàn bộ hệ thống đường cao tốc, mang lại trung bình khoảng 450 triệu euro mỗi năm cho việc đầu tư vào hạ tầng đường bộ. Từ năm 2005, chính sách áp thuế xe tải hạng nặng được mở rộng áp dụng theo khoảng cách, đến nay mang lại trung bình 4,4 tỷ euro/năm.

Hầu như tất cả các quốc gia đều áp thuế nhiên liệu và sử dụng để phát triển giao thông. Loại thuế này thường được đánh một mức cố định trên mỗi lít nhiên liệu nên cần được tăng định kỳ để theo kịp lạm phát, đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Tuy nhiên, tăng thuế nhiên liệu đang trở nên khó khăn về mặt chính trị trong những năm gần đây khiến một số quốc gia phải tìm đến các hình thức bền vững hơn, chẳng hạn như thu phí sử dụng đường bộ. Phí sử dụng đường bộ được quy định các mức khác nhau tùy loại phương tiện hoặc thời gian trong ngày. Tại một số thành phố phát triển như Bergen (Na Uy), London (Anh), Singapore và Stockholm (Thụy Điển), người tham gia giao thông phải trả phí khi lưu thông trên những tuyến đường huyết mạch vào giờ cao điểm trong ngày, hay còn gọi là phí tắc đường.

Quỹ đường bộ đã và đang được sử dụng tại nhiều quốc gia để minh bạch việc quản lý và phân bổ doanh thu cho đường cao tốc. Quỹ thường được quản lý bởi một hội đồng quản trị mà thành viên chủ yếu đến từ các đơn vị tư nhân.

Mot doan cao toc thu phi o My

Mỗi quốc gia có cách khác nhau để phân bổ nguồn quỹ đường bộ, thường là liên quan chặt chẽ tới sự phân chia trách nhiệm giữa các cấp chính quyền. Ở Úc, chính phủ liên bang phân bổ quỹ đường bộ tới các chính phủ tiểu bang và hội đồng địa phương dựa trên dân số và chiều dài đường được xây dựng. Ở Đức, việc phân bổ này lại dựa trên tỷ lệ xe đã đăng ký ở mỗi khu vực. Ở Nhật Bản, 100% thuế xăng dầu, 50% thuế khí hóa lỏng và 67% thuế tải trọng xe cơ giới được sử dụng cho các con đường do Chính phủ xây dựng. Phần còn lại của thuế khí hóa lỏng và thuế tải trọng xe cơ giới cộng với 100% thuế đường bộ địa phương và các loại thuế khác được phân bổ cho chính quyền địa phương. Tại Mỹ, trước những năm 1990, Mỹ chủ yếu phân bổ dưới dạng tài trợ tùy theo mục tiêu mở rộng của liên bang và thường ưu tiên các tiểu bang có mật độ dân số thấp. Hiện tại, công thức phân bổ tương đối hoàn tất dựa trên tiêu chí công bằng. Mức vốn phân bổ sẽ được xem xét dựa trên các yếu tố như: Chiều dài hệ thống đường sá quốc gia, mức độ đóng thuế nhiên liệu và xe tải, lưu lượng giao thông, dân số, mức độ ô nhiễm, số lượng các cửa khẩu biên giới…

Các cách thức quản lý quỹ đường bộ của những quốc gia phát triển trên thế giới là bài học tiêu biểu để Việt Nam đúc rút kinh nghiệm quý báu nhằm tăng cường hiệu quả cho công tác xây dựng, quản lý và bảo trì đường bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận