Hội nghị ATGT 2023: Cách nào giảm thiểu TNGT đường sắt?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 21/10/2023 13:35

Tại Hội nghị ATGT năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trường Đại học GTVT và ThS. Đặng Thanh Phương, Trường Cao đẳng Đường sắt đã nêu về thực trạng ATGT đường sắt và giải pháp.


Hội nghị ATGT 2023: Cách nào giảm thiểu TNGT đường sắt?- Ảnh 1.

Một vụ TNGT đường sắt (Ảnh minh họa)

Giảm TNGT đường sắt chưa bền vững

Nhóm tác giả cho biết về số liệu thống kê thực tế số vụ TNGT đường sắt từ năm 2020 đến tháng 6/2023, phân tích chỉ ra những nguyên nhân các sự cố, tai nạn đường sắt theo 4 yếu tố ảnh hưởng đồng thời đánh giá đúng thực trạng ATGT đường sắt Việt Nam dựa trên cả 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT đường sắt cần thực hiện đồng bộ trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý an toàn quản lý con người và sự phối hợp với các cấp chính quyền địa phương góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả của công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Vận tải đường sắt đóng vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa các vùng dân cư lãnh thổ. Đường sắt với lợi thế chuyên chở an toàn, khối lượng lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội giữa các địa phương, phục vụ an ninh quốc phòng. Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách.

Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT và chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua đặc biệt quan tâm nhằm kiềm chế và giảm TNGT ở cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. 

TNGT đường sắt năm 2021 giảm hơn so với năm 2020 nhưng đã tăng trong năm 2022 ở cả 3 tiêu chí. Kết quả kiềm chế và giảm TNGT đường sắt chưa bền vững. Đánh giá thực trạng an toàn giao thông đường sắt và đề xuất giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu TNGT đường sắt là rất cần thiết.

Theo nhóm tác giả, hiện cả nước, đường sắt có 7 tuyến chính đi qua 34 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.143 km (trong đó có 2.632 km đường chính tuyến, 403 km đường ga, 108 km đường nhánh; gồm 3 loại khổ đường: Khổ đường 1.000 mm chiếm 85%, khổ đường 1.435 mm chiếm 6%, khổ đường lồng (1.435 mm lồng 1.000 mm) chiếm 9%, riêng tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (khổ 1.000 mm) có chiều dài 1.727 km chiếm hơn 65% đường sắt chính tuyến trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam. Đảm bảo ATGT, an toàn giao thông đường sắt nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội nhất là khi số vụ tai nạn đường sắt đang có xu hướng tăng.

Trong năm 2022, trên phạm vi cả nước, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 216 vụ, làm chết 85 người, bị thương 126 người. Trong đó: 0 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 83 vụ tai nạn nghiêm trọng, 132 vụ tai nạn ít nghiêm trọng.

So với cùng kỳ năm trước: Tăng 73 vụ (216 /143 = 51%), tăng 13 người chết (85/72 = 18,1%), tăng 54 người bị thương (126/72 = 75%); tăng trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

6 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ tai nạn là 92, trong đó, nguyên nhân khách quan 86 vụ, nguyên nhân chủ quan 6 vụ, 49 người chết, 41 người bị thương.

Tổng công ty ĐSVN rà soát các đường ngang và thực hiện việc tổng kiểm tra và sửa chữa nâng cấp toàn bộ hệ thống mặt lát đường ngang, bổ sung các thiết bị đảm bảo an toàn, cọc mốc, biển báo, đóng lối đi tự mở... Tại vị trí các đường ngang do người dân địa phương tự mở, ngành Đướng sắt đã tổ chức rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ và đi lại bất chấp nguy hiểm của người dân; do vậy, tình hình TNGT đường sắt xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

Nhìn chung, qua số liệu thống kê phân tích các vụ sự cố, TNGT đường sắt xảy ra có thể phát hiện được các tồn tại ảnh hưởng đến việc sự cố, tai nạn như:
- Hệ thống văn bản pháp quy, quy trình vẫn cần được rà soát hoàn chỉnh;
- Tồn tại của hệ thống thiết bị kỹ thuật;
- Tồn tại của các cá nhân trực tiếp liên quan;
- Tính quy luật trong các vụ sự cố, tai nạn;
- Nguy cơ mất an toàn do các yếu tố ngoài hệ thống.
Từ đó, cần có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Hội nghị ATGT 2023: Cách nào giảm thiểu TNGT đường sắt?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Thi công sửa chữa đường sắt trên cầu Long Biên.

Giải pháp giảm thiểu TNGT đường sắt

Thực hiện các quy định của Luật Đường sắt, các văn bản pháp quy của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam luôn đặt công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt luôn được quản lý toàn diện theo hệ thống, mang tính tập trung thống nhất từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nams đến các đơn vị cơ sở.

Với phương châm "Chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó" trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt mục tiêu: Đảm bảo tuyệt đối đối với hành khách đi tàu; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; kiềm chế, giảm dần TNGT đường sắt ít nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan và TNGT đường sắt do nguyên nhân khách quan; phấn đấu giảm hằng năm ít nhất là 5% trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương.

Để đạt được mục tiêu nói trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác quản lý kỹ thuật, quản lý an toàn, quản lý con người. Các giải pháp phối hợp, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng địa phương để hình thành hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đường sắt thống nhất từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả của công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Một số giải pháp cụ thể:

Theo nhóm tác giả, thực trạng cho thấy, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật về an toàn chạy tàu; nghiên cứu, đầu tư, trang cấp trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện làm viêc cho người lao động, quan tâm đúng mức đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CB, CNV; tăng cường các hình thức kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định an toàn giao thông đường sắt, chấp hành tốt quy trình tác nghiệp. Trật tự, kỷ cương, kỷ luật về an toàn chạy tàu có nơi, có lúc vẫn còn bị buông lỏng. Công tác chỉ đạo của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị đôi chỗ thiếu quyết liệt, triệt để trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Công tác kiểm tra, giám sát về ATCT tại một số đơn vị thiếu thường xuyên, số lần kiểm tra đêm, kiểm tra đột xuất của lãnh đạo đơn vị còn ít; kiểm soát nghiệm thu chất lượng sửa chữa định kỳ, khám chữa ngoài vận dụng, chỉnh bị phương tiện vận tải tại một số đơn vị cần hoàn thiện hơn, cần có các giải pháp hiệu quả hơn để phòng ngừa các vi phạm quy trình tác nghiệp của người lao động đặc biệt là các chức danh trực tiếp phục vụ chạy tàu. Trang thiết bị, phương tiện còn lạc hậu, các tác nghiệp thủ công nhiều do đó công tác an toàn chạy tàu phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, việc giám sát hỗ trợ nhau giữa các nhân viên trực tiếp còn có lúc chưa tốt.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng sửa chữa định kỳ, khám chữa ngoài vận dụng, chỉnh bị phương tiện vận tải trước khi đưa ra vận dụng. Vẫn còn hiện tượng cắt xén quy trình dẫn đến chất lượng phương tiện vận tải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, chất lượng vật tư, phụ tùng sửa chữa chưa đảm bảo; chất lượng nhân lực lao động ở một số đơn vị hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ, kinh nghiệm, tay nghề.

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt việc tổ chức và triển khai vận người lao động nâng cao ý thức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm được giao; phong trào thi đua giữ vững an toàn chạy tàu, xây dựng Chính quy - Văn hóa - An toàn tại đơn vị; tăng cường đào tạo, huấn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ cứu hộ; phương tiện, thiết bị cứu hộ.

Mặt khác, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, làm tốt công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các cơ sở làm việc và các công trình đường sắt trên địa bàn quản lý của địa phương; cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GTVT với UBND các tỉnh, thành phố có đướng sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đướng sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra TNGT, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống đường gom, hàng rào cách ly, nút giao khác mức và cầu vượt đướng sắt; không để phát sinh thêm đường ngang tự mở.

Hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chưa được xử lý, đặc biệt là lối đi tự mở vẫn tồn tại nhiều trên các tuyến đường sắt (hiện còn trên 3.400 lối đi tự mở); việc xóa bỏ các lối đi tự mở còn chậm, chưa được các địa phương quan tâm thực hiện. Chính quyền địa phương cấp phường, xã không có kinh phí để thực hiện việc tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đường sắt và tổ chức cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại các lối đi tự mở.

- Tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính giữa lực lượng Thanh tra - An toàn đường sắt với lực lượng CSGT tại các tỉnh, thành phố chú trọng vào các hành vi vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, vi phạm về đường ngang, phương tiện, người lái; tăng cường các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn tại các lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, vi phạm qui tắc giao thông tại đường ngang. Hiện nay, việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí đền bù cho các hộ thuộc diện chính sách, hộ phải di chuyển toàn bộ, hộ được cấp phép do lịch sử để lại, do các quy định khác nhau về phạm vi đất hành lang an toàn giao thông đường sắt giữa các thời kỳ. Nhận thức việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt của người dân chưa tốt. Các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý nghiêm minh, mức xử phạt còn thấp do đó không có tính răn đe.

Tiếp tục phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc chấp hành trật tự an toàn giao thông đường sắt và Luật Đường sắt; tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học ở các địa phương dọc theo đường sắt.

Nhóm tác giả kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt và xử lý khắc phục các "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận