Cách mạng công nghiệp 4.0: Động lực để giao thông vận tải bứt phá

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Ứng dụng 25/05/2018 06:22

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đang ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến mỗi quốc gia, mỗi ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, ngành GTVT cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Để biến những cơ hội đưa Ngành phát triển và hội nhập thì không còn cách nào khác, GTVT phải “đi trước đón đầu” trên nền tảng công nghiệp 4.0, đây có thể là ưu tiên hàng đầu để thoát khỏi “trì trệ” từ công nghiệp 1.0 với phương thức vận tải cơ khí đến công nghiệp 2.0 là công nghiệp hóa phương tiện vận tải, công nghiệp 3.0 là tự động hóa với giao thông thông minh và đến công nghiệp 4.0 là kết nối, chia sẻ các phương thức vận tải…

 

NoiBai17_zing
Hàng không là ngành có mức độ tự động hóa cao

Công nghiệp 4.0 là tự động hóa toàn diện

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng tác động đến mức cho dù bạn là ai, làm gì hoặc thậm chí không làm gì thì từng ngày bạn vẫn đang chịu sự tác động của nó. Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một nền sản xuất tự động hóa, tiết kiệm nhân công, tốc độ sản phẩm siêu nhanh, với chất lượng đồng bộ.

Tự động hóa là vấn đề cốt lõi để chúng ta không bị tụt hậu trong tiến trình của cuộc cách mạng này. Tuy nhiên, khái niệm này cũng có sự thay đổi căn bản, không chỉ còn là tự động hóa sản xuất công nghiệp. Tự động hóa cách mạng công nghiệp 4.0 là tự động hóa toàn diện với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ mới: Rô-bốt, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vận vật, dữ liệu lớn và công nghệ thông tin... cùng với đó là toàn cầu hóa sản xuất làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội.

Cơ hội và thách thức đối với ngành GTVT

Cách mạng công nghiệp 4.0 là những thành tựu công nghệ mới được ứng dụng vào các quy trình quản lý sản xuất, từ đó tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế được tăng lên rõ nét. Tuy nhiên, hệ quả của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành GTVT có thể gây ảnh hưởng đến người lao động do mất đi cơ hội việc làm, với lợi thế nguồn nhân công giá rẻ, phương thức sản xuất thay đổi (đơn cử như Uber, Grab đã làm đảo lộn thị trường taxi truyền thống). Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì toàn bộ nguồn thông tin được số hóa và minh bạch sẽ đem lại sự khó khăn khi cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến GTVT. Đơn cử như trong lĩnh vực vận tải biển, các doanh nghiệp đều thuộc thế hệ tàu cũ, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo quản, bảo dưỡng lớn. Mặt khác, hệ thống kiểm soát của dịch vụ hàng hải cần có nguồn đầu tư lớn, nhân lực triển khai và vận hành phải có chất lượng và am hiểu về công nghệ…, đây là những thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Phải tự động hóa toàn diện trong mọi lĩnh vực của ngành GTVT

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Ngành GTVT đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với những tác động sâu sắc đến nhận thức, cấu trúc, vận hành của Ngành. Thực tế cho thấy, hiện nay việc kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ tại Việt Nam, mà nổi bật là các mô hình Uber, Grab. Do vậy thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết căn bản tình trạng mất cân đối thị trường vận tải giữa các phương thức vận tải. Quan trọng nhất là ngành GTVT sẽ xây dựng “chiến lược số hóa”, ứng dụng quản trị thông minh, từng bước triển khai tự động hóa toàn diện trong mọi lĩnh vực GTVT để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát huy nội lực nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Đây chính là cốt lõi đột phá của công nghệ 4.0 và là thách thức cần giải quyết của ngành GTVT. 

Những năm qua, ngành GTVT luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, ngành GTVT đang tập trung khai thác các sản phẩm dịch vụ của hầu hết các ngành, các lĩnh vực quan trọng, luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn và thông suốt trong mạch máu giao thông. Đồng thời, các lĩnh vực của Ngành có ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa dịch vụ của nền kinh tế đất nước. Do đó, sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cho Ngành thực hiện thắng lợi Chỉ thị 16/CT-TTg về cách mạng công nghiệp 4.0, đưa ngành GTVT cùng đất nước phát triển.

Năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành GTVT

Tram Bac Ninh
Trạm thu phí không dừng 


Theo ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), ngành GTVT nước ta hiện nay có đầy đủ các biểu hiện của cả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4 như bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động…); xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng Internet như taxi Uber, Grab…; cung cấp các dịch vụ công qua việc cấp đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới… Mỗi cây cầu, con đường… đều có thể được giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch từ khâu thiết kế đến thi công cho đến khi vận hành, bảo trì là không quá xa vời với ngành GTVT. Cùng với các dịch vụ công thông minh, hệ thống quản lý tự động toàn diện, đảm bảo an toàn, thông suốt đã thực sự thay đổi ngành GTVT.

“Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin nên các ứng dụng trong phạm vi hẹp, mới đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ còn đơn lẻ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ trong phạm vi ngành GTVT, chưa có kết nối và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành khác cũng như tại địa phương. Hạ tầng công nghệ thông tin đã và đang được đầu tư bằng nhiều dự án khác nhau nhưng chưa được quy hoạch và chuẩn hóa, dẫn đến khả năng phục vụ của hạ tầng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT còn hạn chế”, ông Hà nhấn mạnh.

GTVT qua các cuộc cách mạng công nghiệp

Lịch sử đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Ngành GTVT ở mỗi quốc gia luôn giữ vai trò then chốt với quan điểm giao thông là mạch máu của đất nước và luôn là đối tượng đầu tiên, quan trọng mà các cuộc cách mạng công nghiệp hướng tới. Cách mạng công nghiệp 1.0 với động cơ hơi nước tạo ra các phương tiện vận tải cơ khí thay thế phương tiện thô sơ, làm thay đổi cơ bản cách mạng về khối lượng và cự ly vận tải, hình thành những tuyến đường sắt, hàng hải quốc gia và quốc tế tồn tại phát triển đến tận ngày nay. Cách mạng công nghiệp 2.0 đã tạo ra năng suất lao động cao, sản xuất khối lượng lớn đã tạo ra ô tô, máy bay, tàu cao tốc…, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, từ đó đã hình thành hàng loạt các tuyến đường cao tốc, đường bay nội địa và quốc tế… Cách mạng công nghiệp 3.0 là cách mạng công nghiệp tự động hóa và rô-bốt, làm cho hạ tầng và các phương tiện giao thông hiện đại hơn cùng với các ứng dụng tự động hóa, từng bước hướng đến giao thông thông minh, từ đây đặt tiền đề quan trọng cho cuộc cách mạng 4.0 ngày nay.

Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nội dung quan trọng trong Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cấp thiết chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và địa phương cùng tích cực chủ động nắm bắt cơ hội, có giải pháp thiết thực tận dụng đối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, từ đó tạo ra sự thay đổi lớn về hình thức kinh doanh dịch vụ, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí giao dịch vận chuyển...

Để khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm triển khai các công việc phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tăng cường khai thác hiệu quả năng lực vận tải của đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng hải, từng bước giải quyết mất cân đối thị phần vận tải giữa các phương thức vận tải; tạo sự bứt phá trong việc tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trực tiếp và gián tiếp tham gia trong chuỗi sản phẩm dịch vụ của ngành GTVT, nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới tạo ra các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực GTVT.

Bên cạnh đó, ngành GTVT đã và đang đầu tư phát triển và tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng kết nối, số hóa điều kiện dễ dàng, minh bạch và bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin; xây dựng chiến lược số hóa, ứng dụng quản trị thông minh, từng bước triển khai tự động hóa toàn diện trên mọi lĩnh vực của ngành GTVT.

Cùng với các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn điện đang diễn ra tại tất cả các lĩnh vực đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng hải và hàng không để phục vụ người dân, tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển GTVT này đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0.

Tiếp nối những thành quả của cuộc cách mạng số hóa diễn ra hàng chục năm qua, cùng với máy tính và Internet đã thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người, sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng cốt lõi trên nhanh chóng lan tỏa đến các lĩnh vực của ngành GTVT, từ góc độ quản lý nhà nước đến sản xuất, thi công, từ lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không, đăng kiểm…

Ý kiến của bạn

Bình luận