Cách đối phó nạn trộm cướp của các nước trên thế giới

Nhật ký cảnh sát 09/03/2016 06:53

Áp đặt mức phạt nặng, lắp camera hay xuất bản sách là ba trong nhiều cách mà cảnh sát tại các TP trên thế giới thực hiện nhằm ngăn nạn trộm cướp.


Tình trạng cướp giật, móc túi, lấy trộm tài sản là vấn đề bức xúc, gây tâm lý hoang mang và cảm giác không an toàn cho các du khách khi đi du lịch. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền và cảnh sát nhiều quốc gia đã có những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tội phạm và đảm bảo an toàn cho mọi người.

Singapore

Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp và được coi là những nơi an toàn nhất trên thế giới. Kết quả này là do mức hình phạt dành cho người phạm tội tại đây thường rất nặng.

Tội phạm đường phố ở Singapore rất ít, thường là trộm cắp, móc túi và cướp giật. Thông thường, những vụ như vậy chỉ xảy ra khi du khách lơ là trong việc bảo quản tài sản, tại các khu đông người như tàu điện ngầm, chợ. Những hoạt động tội phạm liên quan đến vũ khí hiếm khi xảy ra ở Singapore do chính phủ và cảnh sát kiểm soát súng và vũ khí rất chặt chẽ. Hình phạt cho tội này rất nghiêm khắc.

zing_anh_3

Nạn móc túi, giật túi xách, đồ giá trị tại nhiều điểm du lịch gia tăng khiến khách du lịch bức xúc, hoang mang. Ảnh minh họa: I

 

vcriminaldefense.com

Đối với các tội như cướp giật tài sản, gây rối, sở hữu vũ khí, lạm dụng ma túy, luật pháp nước này có tới hơn 30 hình thức phạt khác nhau, bao gồm phạt tiền, đánh đòn và nặng nhất là tử hình.

Theo trang Internations.org, lực lượng cảnh sát Singapore phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp khi có cuộc gọi khẩn cấp và báo cáo tội phạm. Nếu ai đó trở thành nạn nhân của nạn móc túi ở Singapore, người đó có thể nộp báo cáo lên cảnh sát địa phương hoặc báo cáo qua mạng.

Malaysia

Mặc dù Malaysia cũng được xem là một quốc gia an toàn cho du khách và người dân, tình trạng tội phạm đường phố hoành hành có xu hướng gia tăng trong vài năm gần đây. Nhiều báo cáo về nạn cướp giật và bạo lực xuất hiện, đặc biệt tại các thành phố chính như Kuala Lumpur và Johor Bahru, với hình thức chính là móc, rạch túi và giật đồ.

“Dù chúng tôi có phòng ngừa thế nào cũng không ăn thua”, Chong Kon Wah, một kỹ sư sống tại ngoại ô thành phố Kuala Lumpur từng bị trộm “viếng thăm” nhà riêng hai lần và một lần bị cướp khi đang ở trong ôtô, nói.

zing_anh_1
Biển cảnh báo nạn cướp giật trên đường phố Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: New York Times

Trong khi chờ đợi chính quyền vào cuộc, tầng lớp trung lưu và các khu phố giàu có cách tự bảo vệ tại nơi sinh sống. Theo Hiệp hội dịch vụ an ninh Malaysia, nơi đào tạo vệ sĩ, số lượng công ty vệ sĩ tăng gấp 3 lần, từ 200 lên tới 712 công ty.

Chính phủ Malaysia cho biết, số lượng vụ phạm tội được trình báo giảm đáng kể sau khi giới chức tăng cường cảnh sát tuần tra trên các tuyến đường, lắp thêm camera an ninh, thiết lập rào chắn trên đường để giảm tình trạng cướp giật bằng xe máy và học tập các phương pháp, chính sách của cảnh sát những thành phố như New York của Mỹ.

Tháng 9/2013, chính phủ ban hành luật cho phép cảnh sát có quyền bắt giữ các nghi phạm mà không cần qua xét xử.

Đại sứ quán Mỹ tại Kuala Lumpur cũng khuyến cáo các công dân Mỹ sống tại đây "luôn mang balo, túi xách trên vai và đi cách xa lòng đường để không bị kẻ cướp đi xe máy giật mất”.

Ahmad Ghazali Abu Hassan, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Malaysia Ahmad cho rằng, chính phủ nên sửa đổi hệ thống ưu đãi để giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong nước.

“Tôi tin rằng sự đói nghèo là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng tội phạm tăng tại Malaysia”, ông Hassan nói.

Brazil

Brazil là đất nước thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt vào thời gian diễn ra World Cup, song tình hình an ninh tại đây trở thành vấn đề nhức nhối. Quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nước có tỷ lệ người phạm tội cao nhất thế giới.

Trong mùa World Cup 2014, để đảm bảo an toàn cho các du khách, cảnh sát Brazil xuất bản một cuốn sách nhỏ cùng những lời khuyến cáo: “Đừng kháng cự, la hét hay cãi vã khi bị cướp giật. Du khách không nên mang theo những vật dụng có giá trị, đeo vòng vàng, sử dụng máy ảnh hay điện thoại nơi đông người, không đi ra ngoài vào ban đêm. Ngoài ra, mọi người nên chú ý những đối tượng khả nghi xung quanh”.

Cuốn sách được viết bằng các ngôn ngữ như tiếng Anh, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Theo Daily Mail, các vụ cướp giật dẫn đến chết người ở Sao Paulo tăng 9% trong thời gian 2013-2014. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo, tội phạm có vũ trang ở Brazil là mối đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Rio de Janeiro và Sao Paulo.

Pháp

Pháp là một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là nơi hoành hành của các tay móc túi và cướp giật chuyên nghiệp.

Theo Bloomberg, nạn móc túi ở Paris xảy ra phổ biến tại các điểm xe buýt, ga tàu điện ngầm. Chính quyền thành phố phải điều cảnh sát lập các trạm lưu động tại điểm dừng xe buýt hoặc khu vực tập trung nhiều du khách để đảm bảo an toàn.

Tháng 5/2015, Bộ nội vụ Pháp công bố kế hoạch tuyển dụng cảnh sát nước ngoài, phối hợp với cảnh sát trong nước để tuần tra, phân vùng những “điểm đen” cảnh báo khách du lịch.

Ngoài việc tăng cường truy quét tội phạm, cảnh sát Pháp còn ban hành cuốn sách Guide to Staying Safe in Paris (Tạm dịch: Hướng dẫn sống an toàn ở Paris), phân phát miễn phí cho du khách tại các đại sứ quán, khách sạn, cung cấp số điện thoại liên lạc trong tình hình khẩn cấp, địa chỉ các đồn cảnh sát, theo Vice News.

Mỹ

Tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ, việc lắp camera trên các tuyến phố vừa giúp giám sát giao thông, vừa hỗ trợ lực lượng an ninh trong công tác điều tra và theo dõi tội phạm đường phố. Qua dữ liệu hình ảnh từ camera, cảnh sát có thể kiểm soát các hành vi phạm luật, phân tích vụ việc và điều tra.

Theo trang Sacramento Bee, tính riêng năm 2014, lực lượng tuần tra đường phố bang California thu hồi 1.524 xe bị mất cắp và thực hiện 194 vụ bắt giữ nhờ dữ liệu từ camera lắp trên các tuyến đường.

Tại New York, để ngăn chặn các vụ cướp giật điện thoại và đồ giá trị, giới chức tăng cường lực lượng tuần tra và đặt cảnh báo tại nơi công cộng.

Những vụ cướp điện thoại xảy ra ngày càng táo tợn buộc giới lãnh đạo thành phố St. Louis, bang Missouri, đề ra luật bất cứ ai muốn bán lại điện thoại đều phải có giấy phép. Ngoài ra, cảnh sát và các công ty điện thoại cũng lên kế hoạch thành lập trung tâm cơ sở dữ liệu để truy tìm điện thoại bị mất cắp hoặc ngăn chúng bị mua lại.

Ý kiến của bạn

Bình luận