Các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành 4 cao tốc trong năm 2023

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 27/07/2023 15:51

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối với một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT từ nay đến hết năm 2023.

Các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành 4 cao tốc trong năm 2023 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trong chuyến kiểm tra công trường cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Vượt khó đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Đánh giá chung về ngành GTVT trong nửa đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành hầu hết các mặt công tác theo kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều kết quả nổi bật.

Điển hình như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả góp phần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm.

Đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT được triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ, đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; các dự án đường vành đai đô thị, các dự án cao tốc trục Đông - Tây được Bộ GTVT và các địa phương triển khai quyết liệt và đã khởi công đồng loạt trong tháng 6/2023.

Các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành 4 cao tốc trong năm 2023 - Ảnh 2.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khai thác, vận hành từ ngày 19/5/2023

Cùng với đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đạt được mục tiêu đề ra, Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân chung của cả nước; công tác quy hoạch được triển khai hiệu quả, đến nay 5/5 quy hoạch ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoạt động vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực; TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí; ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm cơ bản được tháo gỡ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Một số dự án còn chậm tiến độ; công tác đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực, TNGT tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao, vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, một số sự việc uy hiếp đến an toàn hàng không.

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm và những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo Chính phủ để tham mưu, triển khai kịp thời đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, yêu cầu Trung tâm công nghệ thông tin và các Cục liên quan tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 về phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025; hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát phương tiện, người điều khiển phương tiện để tạo thuận lợi trong hoạt động vận tải, giảm TNGT.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung xây dựng, trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. 

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các đề án, chương trình hành động để trình cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Pháp chế tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an hoàn thiện dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và hoàn thành việc tổng kết Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam trong quý IV/2023.

Các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành 4 cao tốc trong năm 2023 - Ảnh 4.

Tổ công tác Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra xử lý xe tải chở hàng vi phạm giao thông trên địa bàn

Chú trọng tăng cường thanh kiểm tra hoạt động vận tải

Về công tác vận tải, bảo đảm trật tự, ATGT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động vận tải; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý chặt chẽ việc điều phối, sử dụng slot của các hãng hàng không, kiểm soát hiệu quả an ninh, an toàn hàng không.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các hãng hàng không Việt Nam rà soát, tháo gỡ khó khăn trong việc duy trì giờ cất, hạ cánh (slot) tại các sân bay nước ngoài và mở rộng hoạt động khai thác quốc tế, sớm báo cáo, đề xuất Bộ GTVT xem xét, giải quyết.

Về công tác đăng kiểm phương tiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện, công trình dầu khí biển; rà soát các quy định liên quan đến giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hoàn thành Đề án "Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm" theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ đăng kiểm.

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về việc phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý hoạt động đăng kiểm trên địa bàn (cấp phép hoạt động, thanh tra, kiểm tra...); tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, có tính bảo mật cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới, Chỉ thị 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới. 

Trong đó lưu ý, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trật tự, ATGT, đặc biệt là các hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT.

"Yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thường xuyên rà soát, tổng kết đánh giá quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo", chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

Cùng với đó, sở GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác của địa phương, các cơ quan của các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT, vi phạm về hoạt động vận tải, nhất là vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường bộ bằng xe khách, xe tải, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi;...

Bộ GTVT nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05 ngày 8/5/2023 của Bộ GTVT về chấn chỉnh hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.

Các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành 4 cao tốc trong năm 2023 - Ảnh 6.

Thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Loạt dự án trọng điểm phải hoàn thành theo mốc tiến độ năm 2023

Trong công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA bám sát công trường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác GPMB, nguồn cung vật liệu; chỉ đạo các nhà thầu, nhà đầu tư bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị, máy móc, tài chính, tranh thủ thời điểm có thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng
Các Ban QLDA: 2, 6, 7, Mỹ Thuận tập trung chỉ đạo hoàn thành theo mốc tiến độ năm 2023, gồm: QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, ban QLDA quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công, hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng gắn với kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đã đăng ký; kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc những vấn đề vượt thẩm quyền của các chủ đầu tư, ban QLDA.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục tham mưu cho Bộ GTVT đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy; khai thác tối đa các tuyến đường thủy kết nối với cảng biển để giảm tải cho đường bộ, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông song song với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý để đủ cơ sở triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ theo quy định. Đồng thời, khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện báo cáo xử lý tồn tại đối với các dự án BOT để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương làm cơ quan chủ quản các dự án cao tốc trục Đông - Tây, đường vành đai đô thị trong quá trình triển khai các dự án này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư theo dõi, bám sát tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, đảm bảo giải ngân tối đa kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; tham mưu Bộ chế tài xử lý nghiêm đối với các các chủ đầu tư/ban quản lý dự án giải ngân không đạt tiến độ.

Cùng với đó, Vụ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án thu phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc do nhà nước đầu tư, làm cơ sở triển khai thu phí theo yêu cầu của Quốc hội.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp cùng các Cục quản lý chuyên ngành, Cục Đường cao tốc Việt Nam nghiên cứu, tham mưu công tác tổ chức khai thác kết cấu hạ tầng giao thông tuân thủ quy định của pháp luật; tham mưu Bộ ban hành các yêu cầu trong quản lý, bảo vệ, vận hành kết cấu hạ tầng giao thông ngay từ khi đưa vào khai thác, đặc biệt là các công trình đường bộ cao tốc mới đưa vào khai thác tạm.

Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc triển khai nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc.

Các Sở GTVT được Bộ GTVT giao vốn đầu tư công tập trung triển khai xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo đúng thời hạn yêu cầu, giải ngân toàn bộ số vốn theo đúng kế hoạch giao.

Các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thành 4 cao tốc trong năm 2023 - Ảnh 8.

Toàn cảnh hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ GTVT

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng chống tội phạm theo chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Bộ GTVT, thực hiện nghiêm Nghị quyết 50 ngày 5/10/2022 của Ban cán sự đảng về tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chỉ thị số 02 ngày 20/3/2023 của Ban cán sự đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, khu vực có nguy cơ, tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời nhận diện, ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa nhưng hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Bộ tiếp tục thanh tra theo kế hoạch và đột xuất trên các lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện; tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý về thanh tra của Thanh tra Chính Phủ, Thanh tra các Bộ ngành có liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT; tham mưu Bộ chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm đảm bảo công tác kiểm tra được tiến hành thống nhất, bài bản.

Thực hiện hiệu quả công tác bảo trì có trọng tâm, trọng điểm

Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường bộ việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng triển khai hiệu quả công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa lũ gây ra. Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục CSGT và các cơ quan liên quan rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT để từng bước xử lý, tiến tới xóa bỏ các điểm đen trên toàn quốc.

Đồng thời tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện; tổ chức khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông, sự cố xảy ra trên đường, nhất là các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường mới đưa vào khai thác.

Cục Hàng không Việt Nam tập trung rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ tình trạng kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt là hệ thống đường cất hạ cánh để kịp thời triển khai sửa chữa, duy tu, bảo trì theo quy định để đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.

Sở GTVT các địa phương rà soát, theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét dành nguồn lực thỏa đáng để dần xử lý, xóa các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT tại các tuyến đường do địa phương quản lý.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tập trung theo dõi, chỉ đạo các Cục, sở GTVT các địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo trì có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả không gây thất thoát, lãng phí. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật đẩy mạnh công tác phân cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/2022.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tập trung theo dõi, chỉ đạo các Cục, Sở GTVT các địa phương thực hiện hiệu quả công tác bảo trì có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tuyệt đối không gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.