Các bước giúp trẻ trải qua ngày đầu tốt đẹp ở trường mẫu giáo

07/05/2019 05:52

Bạn không nên xiêu lòng bởi những giọt nước mắt và đưa trẻ ra khỏi lớp, bởi việc quay trở lại vào ngày hôm sau sẽ càng khó khăn hơn.


day-tre-2917-1557126184
Ảnh: Getty Images

Bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra ngôi trường mẫu giáo phù hợp nhất với con. Đêm qua, bạn cho con ngủ sớm để dễ dàng đánh thức đúng giờ vào sáng nay. Một chiếc balo nhét đầy đồ dùng như bút màu, giấy, keo dán đã đặt sẵn ngay cạnh cửa ra vào. Trang phục dành cho ngày quan trọng được chọn và treo sẵn trong tủ quần áo. Bạn thậm chí còn dậy sớm hơn ngày thường, chuẩn bị một ít đồ ăn vặt để con mang chia cho bạn bè cùng lớp.

Mọi thứ đều đã sẵn sàng, nhưng bạn vẫn không tránh khỏi hồi hộp. Nếu chưa được chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng, cả trẻ lẫn bố mẹ đều có khả năng trải qua một ngày tồi tệ, đầy nước mắt và nỗi lo lắng. Dưới đây là những gợi ý thiết thực để tình huống này không xảy ra. 

Giữ tinh thần tích cực

Nếu con bạn đã đi nhà trẻ nhiều năm hoặc có tính cách dễ gần, ngày đầu tiên ở trường mẫu giáo sẽ không phải là thách thức lớn. Tuy nhiên, với những đứa trẻ lần đầu tiên phải xa bố mẹ suốt cả ngày dài và đến một môi trường xa lạ, chúng có thể cảm thấy sợ hãi và rất khó khăn để thích nghi. 

Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải xác định tâm lý rằng trẻ đã trưởng thành hơn trước và sắp bắt đầu chặng đường học tập kéo dài gần hai thập niên. Nếu bạn tỏ ra lo lắng hay bao bọc thái quá, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, trong ngày trọng đại, bạn hãy nở nụ cười tươi và giữ thái độ tích cực. Trẻ sẽ nghĩ rằng đi học mẫu giáo là việc rất vui và đáng mong chờ. 

Kiểm soát những giọt nước mắt

Đầu tiên, bạn phải sẵn sàng cho việc nhìn thấy trẻ khóc lóc. Một đứa trẻ la hét trong nước mắt, giữ chặt chân mẹ hoặc bố ở trường mẫu giáo, nhất định không chịu vào lớp là cảnh tượng quen thuộc và hoàn toàn bình thường.

Đối với một số trẻ, chúng sẽ không khóc cho đến khi nhìn thấy những đứa trẻ xung quanh òa khóc. Bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tránh phản ứng quá khích.

Giáo viên ở trường mẫu giáo không xa lạ gì với tình huống này. Họ sẽ có nhiều cách để dỗ trẻ, nhưng thường khuyến khích bố mẹ rời đi. Dù đây là điều khó khăn đối với bạn, trong đa số trường hợp, nó sẽ mang lại hiệu quả. Trẻ thường nín khóc chỉ trong phòng năm phút sau khi bố mẹ không còn ở đó nữa. 

Vài giờ sau, khi quay trở lại lớp, bạn có thể bắt gặp trẻ đang cười đùa với bạn bè và rất háo hức đợi khoe bố mẹ những tác phẩm nghệ thuật vừa thực hiện. 

Nếu giáo viên không thể khiến trẻ ngưng gào khóc, họ sẽ liên lạc với bạn. Tuy nhiên, trước hết bạn cần đặt niềm tin vào kinh nghiệm của họ. 

Giúp con ổn định chỗ ngồi

Điều thú vị trong ngày đầu tiên ở trường mẫu giáo là hàng chục trẻ và phụ huynh xung quanh cũng đang có trải nghiệm tương tự. Nếu bạn biết cách giúp trẻ kết nối với bạn bè, mọi thứ sẽ dễ dàng và vui vẻ hơn. Bạn có thể chỉ cho con thấy một đứa trẻ hàng xóm, nói rằng từ giờ đó sẽ là bạn cùng lớp của con.

Khi không có gương mặt thân quen nào, bạn dẫn con đi thẳng đến chỗ đứa trẻ nào đó cũng đang bẽn lẽn đứng cạnh bố mẹ và giới thiệu: "Chào con, đây là Isabelle. Áo công chúa của con đẹp lắm. Cô và Isabelle có thể ngồi đây cùng con được không?". 

Chia tay con

Khi trẻ nài nỉ đi cùng bố mẹ và bị nói "không" đầy phũ phàng, trẻ sẽ chịu cảm giác tổn thương. Do đó, khoảnh khắc chia tay luôn là phần khó khăn nhất. Tuy nhiên, bạn cần nhớ kỹ nguyên tắc đầu tiên là không bị xiêu lòng bởi tiếng khóc và đưa con ra khỏi lớp. Điều đó sẽ khiến việc đưa trẻ quay lại lớp vào lần khác vất vả hơn nhiều. Hãy tận dụng sự hỗ trợ của giáo viên và để trẻ tập làm quen với môi trường mới như các bạn. 

Nguyên tắc thứ hai là bạn không nên lợi dụng lúc con bị phân tâm bởi hoạt động khác để lén bỏ về. Trẻ cần biết rằng trường học là nơi trẻ sẽ dành thời gian cả ngày ở đó mà không có bố mẹ, và nói lời chia tay là một phần không thể thiếu của quá trình đó. 

Bạn cũng không nên hỏi con những câu như "Mẹ về nhé, có được không?" hay hứa hẹn như "Nếu con ở lại trường thì mẹ sẽ mua kem cho con khi đến đón". Điều này có thể phản tác dụng, khiến trẻ càng cố đòi về bằng được vì nhu cầu ở cạnh bố mẹ lúc này cao hơn những thứ khác. 

Nếu trẻ trải qua ngày đầu êm đẹp, bạn vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn. Vài ngày hoặc vài tuần sau đó, khi trường học không còn mới lạ và hấp dẫn nữa, trẻ có thể lại bị ảnh hưởng tâm lý bởi việc rời xa bố mẹ. Trường hợp này cũng rất phổ biến. Bạn hãy nhẹ nhàng trò chuyện với con về những chuyện vui ở trường lớp, dần dần con sẽ vượt qua được giai đoạn này. 

Ý kiến của bạn

Bình luận