Buôn vé máy bay thu lời được bao nhiêu?

Doanh nghiệp 13/01/2016 14:43

Từ vụ lừa đảo vé máy bay tại Australia, nhiều người thắc mắc về cơ chế bán vé của các hãng qua người bán lẻ và chuyện lợi nhuận nhờ buôn vé.

Buôn vé máy bay thu lời được bao nhiêu
Mức chiết khấu cho các cấp đại lý bán vé máy bay đã giảm đi đáng kể từ khi các hãng áp dụng quy định bỏ thưởng, chiếu khấu mà tính chi phí vào chung tiền vé.

Thông thường, các hãng hàng không sẽ cung ứng vé máy bay theo ba kênh: thông qua website bán vé trực tuyến, phòng vé hoặc đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng (được gọi là các đại lý cấp 1).

Theo đại diện của Vietnam Airlines, vé máy bay hợp lệ khi xuất bán từ các kênh chính thức sẽ được hãng bảo đảm quyền lợi, nhưng nếu từ các đại lý từ cấp 2 trở đi, hoặc thông qua hình thức đặt mua hộ sẽ không được coi là đã có thỏa thuận mua vé với hãng. Do đó, hãng bay không kiểm soát các giao dịch này, tức là không có ràng buộc pháp lý trực tiếp nào.

Đại diện một hãng hàng không nội địa Việt Nam cũng cho biết, theo quy chế mới Cục hàng không, hãng bay hiện không còn được thưởng hay chiết khấu hoa hồng cho các đại lý vé cấp 1.

Do vậy, để duy trì hoạt động, nhiều đại lý cấp 1 đã áp mức thu với đại lý cấp 2 từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng một vé. Đây được xem là một trong hai nguồn thu chính của cấp đại lý này, bên cạnh việc phân phối trực tiếp tới tay khách hàng.

Giá vé máy bay cho đại lý cấp 2 là mức cố định. Đại lý sau đó sẽ tùy vào mức hoa hồng mà cộng thêm vào giá vé. Đại lý cấp 2 chỉ được hưởng phần hoa hồng này, không được hưởng thêm bất cứ khoản nào khác, trong khi phải ký quỹ vài chục triệu và trả tiền chiết khấu lại cho cấp 1.

Chị Linh, chủ một đại lý vé máy bay cấp 2 tại quận 11, TP HCM cho biết, bán mỗi vé của Vietnam Airlines, gia đình chị thu lời khoảng 50.000 đồng. Trong khi với Vietjet Air hay Jetstar, mức thu lời chỉ là 45.000 đồng. Riêng với các chặng bay quốc tế của tất cả các hãng, hoa hồng ấn định của riêng đại lý này là 100.000 đồng.

Mức thu này so với thời điểm trước năm 2015 đã giảm đi đáng kể. Trước đây, với mỗi vé, đại lý cấp 2 có thể từ khách 50.000 đồng đến 90.000 đồng một chặng, khứ hồi có thể lên tới 170.000 đồng.

Khi đó, các đại lý cấp 1 cũng có chính sách thưởng thêm mỗi đầu vé dịp thấp điểm, hay thưởng dựa vào doanh số ( từ 0,5 đến 0,9% nếu doanh số trên 1 tỷ đồng một tháng).

Trước đó, mức hoa hồng vé quốc tế cũng khá cao, dao động 3-100 USD tùy vào vé bay một chiều hay khứ hồi, đường bay truyền thống hay mới mở.

"Bán vé của Vietnam Airlines hiện mang lại thu nhập tốt nhất, vì có lượng khách ổn định. Hơn nữa, Vietnam Airlines hiện không lấy phí của đại lý cấp 2, trong khi các hãng khác thu lại 5.000 đồng trên mỗi vé, nên thu nhập cũng giảm đi chút ít", chị Linh cho hay.

Cũng theo chủ đại lý này, các đầu mối cấp 2 thường sẽ tuyển mộ thêm đầu mối cấp 3, cấp 4 để mở rộng mạng lưới khách hàng, nhất là tại những khu vực thị trấn, xã huyện nhỏ. Ít cạnh tranh, người dân chưa biết nhiều về thủ tục mua vé qua mạng, khách thường mua khi có việc cần gấp nên lấy vé ngay, giúp cho doanh thu từ những đầu mối này tuy không nhiều, nhưng lại ổn định.

Theo anh Trần Văn Tuyên, trưởng phòng bán vé máy bay của công ty FCAir tại Thái Bình, vé đến tay anh đã qua 2 khâu trung gian. Mỗi khâu đặt một mức hoa hồng nhất định, nên khi đến tay khách hàng, giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm hãng hàng không chốt giá.

"Càng ở xa trung tâm, giá vé sẽ càng đội thêm nhiều chi phí. Số lượng vé bán ít hơn, nhưng doanh thu trên mỗi vé sẽ lớn hơn", anh Tuyên cho biết.

Thực tế, ở địa phương, số lượng người biết cách đặt vé qua mạng không nhiều, chủ yếu vẫn bán kiểu qua trung gian nên vào mùa cao điểm sẽ bán khá tốt." Khách không có thói quen đặt vé sớm, mà chỉ khi cần mới đặt, nên giá từ hãng xuống đã khá cao, đến tay người mua tất nhiên sẽ càng cao", anh Tuyên nói thêm.

Lý giải về việc vẫn có rất nhiều khách hàng đặt mua qua đại lý, thay vì mua vé qua mạng, chủ các đại lý này cho hay, cách mua truyền thống sẽ giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí thanh toán qua thẻ, thông thường từ 55.000 đồng đến 90.000 đồng. Ngoài ra, khách cũng sẽ không phải chịu rủi ro chi trả cho các dịch vụ gia tăng của hãng bay như phí chọn chỗ, bảo hiểm... 

"Đôi khi hãng bay còn khá nhiều vé dư, nên họ đặt chế độ giá theo giờ, lúc cao, lúc thấp. Khách mua qua mạng thì chỉ canh được một vài thời điểm, còn nếu nhờ qua đại lý, có thể sẽ mua được với giá tối ưu. Như vây, công bỏ ra ít, mà chênh lệch giá cũng lớn. Đây chính là lý do đại lý vé vẫn có lượng khách tốt, dù thủ tục mua trực tuyến hay qua phòng vé của các hãng bay ngày càng tiện lợi hơn", chị Linh chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận