Boom Technology gia nhập hàng không siêu thanh với mẫu máy bay nhanh hơn Concorde

Doanh nhân 27/03/2016 13:14

Boom Technology - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Denver, bang Colorado đang tham vọng bước vào cuộc đua vận tải hàng không siêu thanh

3643574_Boom_Technology_supersonicjet
 

Boom Technology - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Denver, bang Colorado đang tham vọng bước vào cuộc đua vận tải hàng không siêu thanh với một chiếc máy bay bay nhanh hơn Concorde với vận tốc hành trình đến Mach 2.2 (2700 km/h), sức chứa 40 hành khách và giá vé tương đương với vé hạng doanh nhân trên máy bay thông thường cho một chuyến bay quốc tế khứ hồi.

Sự kiện 2 chiếc Concorde cuối cùng chấm dứt hoạt động vào năm 2003 là một bước lùi lớn đối với ngành hàng không. Tuy nhiên, cuộc đua hàng không siêu thanh được nhen nhóm trở lại khi NASA công bố kế hoạch phục hồi loại hình vận tải này với dự án X-plane và nhiều công ty khác cũng tham gia phát triển các mẫu máy bay siêu thanh riêng. Đây là một dấu hiệu rất đáng khích lệ bởi nếu có nhiều đối thủ cạnh tranh, vận tải hàng không siêu thanh sẽ rẻ hơn đáng kể. Concorde là một siêu máy bay và để đổi lấy tốc độ của nó, hành khách phải trả rất nhiều tiền. Concorde có sức chứa 128 hành khách, bay ở tốc độ Mach 2 (2450 km/h) và giá vé trung bình cho một chuyến bay khứ hồi giữa London và New York vào khoảng $12000. Trong khi đó, Boom hứa hẹn mức giá này chỉ còn khoảng $5000 với chiếc máy bay mà hãng đang chế tạo. 

Chia sẻ với Bloomberg, Boom Technology cho biết khả năng chế tạo một chiếc máy bay thay thế cho Concorde chỉ khả thi trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhờ những cải tiến về thiết kế khi động học, về vật liệu composite, động cơ, hầm gió và phần mềm, Boom Technology tự tin chế tạo được chiếc máy bay có thể bay từ London đến New York trong vòng 3 giờ 24 phút với tốc độ hành trình Mach 2.2. Điều này có thể đạt được nhờ sử dụng sợi carbon tổng hợp thay cho nhôm (sợi carbon khiến máy bay nhẹ, bay nhanh hơn và bền hơn bởi nhiệt lượng sinh ra từ ma sát không khí có thể làm mềm nhôm nếu máy bay bay ở vận tốc trên Mach 2). Ngoài ra, phần mềm được Boom phát triển riêng cũng cho phép các kỹ sư chạy hàng triệu thiết kế mô phỏng mỗi ngày, nhờ đó Boom không cần mất nhiều tháng để thử nghiệm và tinh chỉnh trong hầm gió theo cách truyền thống.

Boom cho rằng thiết kế này khiến máy bay vận hành êm hơn và hiệu suất cao hơn 30% so với Concorde. Cabin sẽ có 40 ghế được chia làm 2 hàng đơn để mỗi hãnh khách đều có cửa sổ và lối đi. Để giảm trọng lượng, các ghế được trang bị là loại ghế tiêu chuẩn dùng trên khoang hạng nhất của các máy bay bay chuyến nội địa, không phải loại ghế có thể mở phẳng thành giường. Và để cắt giảm thời gian bay, máy bay của Boom sẽ bay ở độ cao gần 18.300 m, ở độ cao này thì hành khách sẽ có thể thấy được độ cong của Trái Đất và giúp máy bay bay nhanh hơn 2,6 lần so với các loại máy bay thương mại khác. Scholl cho biết có khoảng 500 đường bay phù hợp với chiếc máy bay này, bao gồm chặng bay dài 5 giờ từ San Francisco đến Tokyo và chặng dài 6 giờ từ Los Angeles đến Sydney.

Boom Technology hiện tại có 11 nhân viên, 6 trong số đó là phi công và họ cùng nhau chế tạo chiếc máy bay trong một hangar tại sân bay Centennial, Denver. Điều thú vị là Boom Technology được thành lâp theo ý tưởng của Blaker Scholl (ảnh trên) - một kỹ sư phần mềm từng làm việc 5 năm tại Amazon và anh cũng nổi tiếng với ứng dụng di động Kima Labs được Groupon mua lại năm 2012. Scholl chỉ mới 35 tuổi và số tiền có được từ thương vụ Kima đã giúp anh theo đuổi giấc mơ tạo ra một thứ gì đó có ý nghĩa hơn. 2 năm sau đó, Scholl đã thuyết phục được nhiều người có thâm niên làm việc trong lĩnh vực hàng không về làm việc. Trong đó đáng chú ý là Joe Wilding - đồng sáng lập Boom kiêm kỹ sư trưởng. Wilding từng chống lưng cho 3 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không và phụ trách thiết kế máy bay mới. Tiếp theo là Andy Berryann - trưởng bộ phận hệ thống đẩy, ông từng làm việc tại Pratt & Whitney và hiện đang chịu trách nhiệm chế tạo các thành phần động cơ cho chiếc máy bay của Boom. Các nhân viên còn lại đến từ NASA, Lockheed Martin và Scaled Composites - một công ty con của Northrop Grumman.

Cho đến hiện tại, Boom đã gây quỹ được 2,1 triệu USD và đang trong giai đoạn phát triển. Để đưa chiếc máy bay này vào thị trường hàng không thương mại thì Boom có thể sẽ cần từ vài chục đến vài trăm triệu USD nữa. Các kỹ sư của Boom hiện đang chế tạo mô hình tỉ lệ 1/3 của chiếc máy bay siêu thanh và hướng đến mục tiêu bay thử vào cuối năm tới. Chưa rõ khi nào phiên bản chính thức được trình làng và khi nào sẽ được khai thác thương mai nhưng Scholl tiết lộ rằng một hãng hàng không tại Anh đã ký một thỏa thuận mua máy bay trị giá 2 tỉ USD một khi nó sẵn sàng và Scholl cũng cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh thiết kế để giảm giá thành cho mỗi chuyến bay. Anh nói: "Tôi muốn sống trong một thế giới mà bạn có thể đi đến mọi nơi chỉ trong 5 giờ với chỉ $100. Có thể sẽ mất nhiều thập kỷ nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được điều này."

Ý kiến của bạn

Bình luận