Bộ Xây dựng ủng hộ phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vận tốc 350 km/h

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
Đường sắt 29/11/2023 02:17

Bộ Xây dựng thống nhất xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với phương án đường đôi, khổ rộng 1.435 mm, tốc độ 350 km/h.

Bộ Xây dựng ủng hộ phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vận tốc 350km/h- Ảnh 1.

Một mẫu tàu đường sắt tốc độ cao trên thế giới - Ảnh Internet

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia) vừa ký văn bản gửi Bộ GTVT góp ý về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Trong đó, Bộ Xây dựng thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo phương án có thiết kế đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 68,98 tỷ USD. Trong trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.

Dự án cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo Bộ Xây dựng, với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, cần nghiên cứu, theo hướng nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng hình thức thay thế toàn bộ khổ đường hiện hữu 1.000 mm bằng khổ đường tiêu chuẩn 1.435 mm trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023: "Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là trục "xương sống", khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt độ thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối vận tải trong nước (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế) và liên vận quốc tế".

Cũng theo Bộ Xây dựng, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài 1.545 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, các tỉnh,thành đang trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các đề án quy hoạch xây dựng, đồng thời trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày một tăng cao có thể làm phát sinh các tình huống làm thay đổi hướng tuyến thiết kế đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kéo theo việc phải điều chỉnh khối lượng công trình dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư của dự án. 

Do đó, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua để đảm bảo giữ nguyên được kết quả thỏa thuận hướng tuyến như đã được thể hiện tại đề án.

Hiện dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được đề xuất xem xét một số phương án đầu tư, với các tổng mức đầu tư dự kiến: Khoảng 67,32 tỷ USD, 72,02 tỷ USD và khoảng 71,60 tỷ USD.

Ngày 3/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1143/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (không bao gồm các dự án đường sắt đô thị).

Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng làm Phó trưởng Ban thường trực.

Các Phó trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan.

Ý kiến của bạn

Bình luận