Bộ trưởng Thăng: Muốn đi đường đẹp thì phải mất tiền

Giao thông 24h 23/05/2015 07:33

Trước những khúc mắc của một bộ phận dư luận về tình trạng “phí chồng phí” trên các con đường được đầu tư theo hình thức BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã lên tiếng làm rõ.


Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bên hàng lang Quốc hội

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bên hàng lang Quốc hội

Báo cáo của các cử tri tại kỳ họp Quốc hội này cho thấy, nhiều người dân đang băn khoăn về tình trạng trạm thu phí “mọc như nấm” trên những con đường được đầu tư theo hình thức BOT, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi không tin việc thu phí tại các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT lại có thể làm tăng chi phí sản xuất (do chi phí vận tải tăng), so với việc lưu thông trên những con đường cũ kĩ chỉ phải đóng phí bảo trì thông thường.

Xin lấy ví dụ về cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Trong cuộc Hội thảo đánh giá hiệu quả của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cả doanh nghiệp vận tải và báo chí tham dự đều ghi nhận lợi ích từ việc thời gian lưu thông giảm được một nửa, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, trong khi chi phí thực tế giảm tới 30%.

Rõ ràng là nhờ đường tốt, chạy tốc độ tối ưu nên sẽ tiết kiệm không chỉ xăng dầu, mà còn giảm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa phương tiện, chi phí qua phà như trước đây. Đó là còn chưa tính đến những lợi ích không định lượng được như tiết kiệm thời gian, độ an toàn giao thông và sức khỏe của người vận hành phương tiện đảm bảo hơn. Tôi mong người dân có một đánh giá toàn diện và khoa học hơn, bởi đây là lợi ích thiết thực của chính mình.

“Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Hình thức BOT thực sự là một lối thoát lâu dài, bởi nó tận dụng được sức mạnh của toàn nền kinh tế. Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó. Giàu có như Mỹ, châu Âu hay Singapore người ta cũng đang làm như vậy”.

Dư luận hiện đang thắc mắc, đầu tư hạ tầng là việc của nhà nước và tiền đầu tư cũng là tiền thuế của người dân. Tại sao lại phải thu thêm phí, trong khi phí sử dụng đường bộ đã được thu trên đầu phương tiện?

Nếu toàn bộ hệ thống hạ tầng mà chúng ta đang có được đầu tư bằng tiền thuế của dân thì đương nhiên là sẽ không có trạm thu phí nào cả. Nhưng khi đầu tư bằng tiền huy động trong xã hội, tức là mở đầu câu chuyện kinh doanh thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Đã là đầu tư kinh doanh thì việc thu hồi vốn là điều đương nhiên.

Phí sử dụng đường bộ tính trên đầu phương tiện là dùng vào việc bảo trì những công trình giao thông được đầu tư bằng ngân sách. Hiện nay, nhu cầu duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ so với số tiền thu được vẫn còn thiếu một khoản khá lớn và Bộ Tài chính phải cấp bù từ ngân sách hàng năm. Còn các trạm thu phí BOT là để hoàn vốn (và tất nhiên là một phần lợi nhuận), được quy định trong một thời hạn cụ thể mà doanh nghiệp đã bỏ ra để làm đường. Nếu ai cũng thấy điều đó thì đồng thời sẽ thấy ngay là không hề có chuyện “phí chồng phí”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tế có thể dễ dàng so sánh mức phí sử dụng đường bộ trên các tuyến đường nhà nước đầu tư dễ chịu hơn rất nhiều so với phí thu tại các trạm BOT. Phải chăng các nhà đầu tư BOT đang tự ý áp đặt mức thu phí trên các dự án kinh doanh của mình?

Về cơ bản, phí giao thông là số tiền người sử dụng phương tiện bỏ ra để mua chất lượng dịch vụ lưu thông. Phải có cầu, có đường thì mới có thể đi lại. Chất lượng dịch vụ sẽ quyết định giá cả. Những con đường đầu tư bằng ngân sách, vì điều kiện nguồn lực eo hẹp, chưa thể đáp ứng được yêu cầu cao của người tham gia giao thông. Trong khi những con đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT đều vào loại hiện đại, chi phí đầu tư rất lớn. Đó là lý do có sự chênh lệch giữa hai mức phí.

Tuy nhiên, không phải cứ bỏ nhiều tiền ra thì nhà đầu tư có toàn quyền định ra mức thu phí. Họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà nước với vai trò quản lý và điều tiết. Trong quá trình trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ GTVT đều có văn bản thỏa thuận với UBND tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT, trong đó có vấn đề thu phí qua trạm. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT. Trên cơ sở thông tư của Bộ Tài chính, nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện. Vậy nên không có chuyện nhà đầu tư thả sức thu phí như mọi người nghĩ.

Vậy thì tại sao trên QL 1A hiện giờ lại xuất hiện dày đặc trạm thu phí, không đảm bảo quy định 2 trạm cách nhau tối thiểu 70 km, thưa Bộ trưởng?

Trường hợp các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường đều đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất từ trước, chứ không có doanh nghiệp nào dám tự ý đặt trạm mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Để xảy ra thắc mắc của dư luận, một phần là do chúng tôi chưa thông tin đủ, kịp thời để xã hội ai cũng hiểu rõ bản chất của vấn đề. Tôi khẳng định, cho đến nay, không có doanh nghiệp BOT nào phạm luật trong việc thu phí.

Chúng tôi đang nỗ lực để tới đây có thể triển khai phương án thu phí tự động, không dừng. Khi đó sẽ không còn vấn đề khoảng cách các trạm bởi phí giao thông sẽ được tính trên từng km, việc lưu thông qua trạm thu phí trên sẽ nhanh hơn, giảm được thời gian dừng xe, giảm ùn tắc tại trạm thu phí, giảm chi phí tổ chức thu phí.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Dân trí

Ý kiến của bạn

Bình luận