Bộ TN&MT: Formosa được cấp phép xả thải

Diễn đàn khoa học 24/04/2016 09:25

"Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút", ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định.

Chiều 23/4, bên lề cuộc họp của lãnh đạo 4 tỉnh miền trung với liên Bộ Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, đường ống xả thải của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép.

Trước nhiều câu hỏi về giấy phép xả thải của Formosa cũng như nghi vấn liên quan tới cá chết hàng loạt ở miền Trung, ông Nhân nói: "Không được cấp phép thì làm sao họ xây dựng được"

Vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 16/7/2014 công ty Formosa có văn bản đề nghị xây dựng đường ống xả thải làm mát ra vịnh Sơn Dương với chiều dài 1.300 m, đường kính 1,2 m, cách mặt biển 12 m. Đường ống có 9 lỗ xả dọc theo chiều dài, đường kính mỗi lỗ 0,3 m.

Formosa được cấp phép xả thải
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: "Công ty Formosa được phép lắp đường ống nước xả thải ra biển". Ảnh: Phạm Hòa.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên đã cho phép đơn vị này xây dựng đường ống tại công văn ngày 26/8/2014.

"Có nghĩa là đường ống này hợp pháp, không phải lắp đặt lén lút. Còn đường ống lắp đặt dưới biển là đương nhiên, bởi nếu lắp đặt trên mặt biển sẽ dễ bị trộm cắp, sóng đánh hư hỏng", ông Nhân nói.

Theo ông Võ Tuấn Nhân, quy trình xử lý vận hành như sau: Nước thải đấu nối vào bể chứa để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước thải; sau đó chảy sang một bể chứa khác. Tại đây có một trạm quan trắc tự động để kiểm tra trước khi xả theo đường ống ra ngoài biển.

Ông khẳng định, đường ống của công ty Formosa mà người dân phát hiện xả thải ra biển là hoàn toàn hợp pháp. Còn số liệu quan trắc sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh quản lý.

Formosa được cấp phép xả thải 2
Vùng biển phát hiện cá chết hàng loạt trải dài qua 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đồ họa: Nguyễn Phượng.

Tuy nhiên, ông Nhân chưa rõ số liệu quan trắc đã được đấu nối với Sở Tài nguyên của tỉnh hay chưa. Ví dụ như Bình Dương, thì số liệu này đã được đấu nối vào Sở Tài nguyên của tỉnh để xử lý. Khi nào phát hiện số liệu khác thường cán bộ chỉ cần bấm nút là có thể lấy mẫu để kiểm tra.

"Việc thông tin người dân lặn biển để tìm nguyên nhân khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển gây hoang mang dư luận. Tôi khẳng định công ty Formosa được phép lắp đường ống nước xả thải ra biển", ông Nhân nhắc lại.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thêm, việc được phép lắp đường ống xả thải chạy ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không là hai chuyện khác nhau.

"Bộ vẫn đang kiểm tra, lấy mẫu nên chưa thể kết luận được điều gì", ông nói.

Formosa được cấp phép xả thải 3
Cá chết bắt đầu được phát hiện từ 6/4 tại ven biển huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gần khu công nghiệp Vũng Áng. Ảnh: Quang Tiến.

Trước đó, đại diện Formosa đã cung cấp cho báo chí hệ thống đường ống ngầm dưới đáy biển này. Theo ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty FHS), nước thải của công ty ra môi trường đạt chất lượng.

“Toàn bộ số liệu về môi trường nước được trạm báo về máy hàng ngày, tất cả đều đạt các chỉ số an toàn mới được cho ra biển", ông Kiệt nói.

Về đường ống xả thải kéo dài ra biển, ông Kiệt cho biết, đây là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về, kéo dài hơn 1 km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy.

"Ống xả này được được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Bình quân mỗi ngày Công ty FHS xả khoảng 12.000 m3 nước thải qua đường ống này”, đại diện Formosa cho hay.

Theo đại diện 4 tỉnh trong vùng ảnh hưởng của hiện tượng cá chết hàng loạt, hai ngày qua, tình trạng này không còn xuất hiện.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: hiện, các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) có nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Các hải, thủy sản như mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể yên tâm sử dụng để chế biến thực phẩm. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.

Ý kiến của bạn

Bình luận