Bộ GTVT phê duyệt đề án nâng cao hiệu lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chính trị 28/11/2022 14:53

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bộ GTVT phê duyệt đề án nâng tầm hiệu lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức

Theo Bộ GTVT, đề án này nhằm triển khai kịp thời, cụ thể chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Công tác này vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm.

Đề án lấy phòng ngừa là chính, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực là quan trọng, cấp bách; gắn công tác PCTNTC với công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Đề án cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ GTVT trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong điều hành. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương; khuyến khích sự chủ động, tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động giám sát, phát hiện và tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, đặc biệt trong lĩnh vực dễ phát phát sinh và có nguy cơ cao về tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, việc triển khai đề án này sẽ phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay từ đơn vị, doanh nghiệp và sự tác động tiêu cực của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật khi được phát hiện.

Thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

Đề cập đến nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ GTVT đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trước hết là tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong PCTNTC; kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, không tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị trước những cám dỗ vật chất và tinh thần đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, trước hết là lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm, làm việc sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, việc nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức đúng, hành động đúng của từng cá nhân là yếu tố cốt lõi trong công tác PCTNTC.

Bộ GTVT sẽ triển khai các biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN, công khai, minh bạch các hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc giám sát xã hội; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm tục việc công khai, minh bạch trên hệ thống công khai, minh bạch của Bộ GTVT theo quy định.

Bộ GTVT phê duyệt đề án nâng tầm hiệu lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Đề án vừa được phê duyệt nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Để xây dựng quy định và cơ chế tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát PCTNTC, Bộ GTVT sẽ tập trung vào công tác quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia (Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành,…).

Cùng với đó là tập trung vào hoạt động cấp phép, cho phép, thỏa thuận về các chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đăng kiểm, quản lý chất lượng và đấu thầu các công trình thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước ngành GTVT.

Bộ GTVT sẽ tập trung PCTNTC trong các lĩnh vực nhạy cảm khác thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT như: Công tác tổ chức, cán bố; công tác xây dựng thể chế; quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức; quản lý bảo trì, khai thác công trình giao thông (đặc biệt là các công trình ngầm, công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, công trình hàng hải, thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển,…); quản lý tài chính công, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công; công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn; công tác đăng kiểm phương tiện, thiết bị GTVT, đặc biệt là phương tiện, thiết bị nhập khẩu,…

Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, kiểm soát tài sản thu nhập, kiểm toán nội bộ, tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. 

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế ngay từ giai đoạn bắt đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra, kiểm tra.

Cũng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ GTVT sẽ kiện toàn tổ chức tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của Ban Cán sự đảng, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCTNTC trong tình hình mới; phân công, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm nhằm tăng cường công tác PCTNTC theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và cấp có thẩm quyền.

Trong việc tăng cường công tác phối hợp để huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thực hiện công tác PCTNTC, Bộ GTVT sẽ phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng để tuyên truyền, phổ biến và xây dựng, ban hành Nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác PCTNTC;

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng (thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công an,...) để cung cấp, chia sẻ thông tin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực và các vi phạm pháp luật khác có liên quan.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí để thực hiện tuyên truyền, vận động và giám sát nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và các vi phạm pháp luật.

Triển khai đề án này, Bộ GTVT giao Thanh tra Bộ GTVT chủ trì tổ chức phổ biến, quán triệt toàn diện nội dung của Đề án tới tất cả các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện các yêu cầu, nội dung của Đề án.

Thanh tra Bộ GTVT chủ trì tham mưu ban hành văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện đề án. Đồng thời phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự đảng tham mưu trình Ban Cán sự đảng kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC của Bộ GTVT trong đó nghiên cứu gắn với công tác chỉ đạo của Bộ GTVT về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong huy động, sử dụng các nguồn vốn thuộc lĩnh vực GTVT. 

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để tham mưu, đề xuất khen thưởng, kỷ luật và các hình thức xử lý khác đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện đề án này.