Bộ Giao thông vận tải nỗ lực duy trì Top đầu về giải ngân

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Sự kiện 16/03/2021 14:57

Năm 2020, Bộ GTVT là một trong những đơn vị giải ngân cao so với tỉ lệ vốn đầu tư bình quân chung của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quản lý. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Bộ, cùng sự nỗ lực của các ban QLDA, sở GTVT... Năm 2021, Bộ GTVT đặt mục tiêu duy trì nhóm dẫn đầu công tác giải ngân cao của cả nước.

Bắt tay ngay vào làm việc sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngành GTVT đã đồng loạt tổ chức ra quân triển khai rộng khắp các công trường dự án trên cả nước. Lãnh đạo Bộ đã đi kiểm tra tiến độ, động viên cán bộ kỹ sư, công nhân tại công trường.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính đến cuối tháng 2, giá trị giải ngân các dự án đạt khoảng 1.371 tỷ đồng. Sở dĩ trong tháng 2 giá trị giải ngân không cao là do cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kèm theo tác động của dịch bệnh và là những tháng đầu của năm tài khóa. Một số đơn vị làm tốt công tác giải ngân trong tháng 2 như: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA 85, Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA Mỹ Thuận, Ban QLDA Đường thủy, Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình.

2
Công trình mở rộng khúc cong cua xử lý triệt để nguy cơ xảy ra TNGT tại km17 QL4A tỉnh Lạng Sơn, sử dụng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Ảnh: Vũ Thành

Cũng theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, thực hiện Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2542/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2020 giao chi tiết kế hoạch đầu tư năm 2021 cho các dự án đã đảm bảo thủ tục theo quy định. Theo đó, Bộ GTVT đã giao chi tiết 36.536,802/42.995,964 tỷ đồng kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao (85%); còn lại 6.459,162 tỷ đồng tạm thời chưa giao kế hoạch chi tiết do cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo thủ tục, điều kiện giao kế hoạch năm. Lý do là bởi số vốn chưa giao chi tiết gồm 4.037,76 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 21 dự án đang thực hiện thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí vốn quá thời gian quy định, để tiếp tục thực hiện nhưng không thể hoàn thành trong năm 2021.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu nằm trong Top đầu các bộ, ngành thực hiện tốt kế hoạch và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021 được giao, Bộ yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA và các cơ quan tham mưu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể:

Đối với các dự án đã được giao kế hoạch chi tiết, yêu cầu triển khai kế hoạch giải ngân của từng dự án, đặc biệt là công tác phân khai dự toán chi; lập kế hoạch giải ngân từng tháng, quý trong năm cho từng dự án để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch;

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán, thủ tục quyết toán...; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đẩy mạnh tiến độ thi công để đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu; chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thi công, quyết toán...;Cử cán bộ có đủ thẩm quyền có mặt tại hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng;

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu hoàn thành, không dồn vốn thanh toán vào thời điểm cuối năm; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA chưa ký hiệp định, điều chỉnh hiệp định, hoàn trả địa phương, doanh nghiệp ứng trước kế hoạch để thực hiện dự án trong giai đoạn trước theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, các dự án ODA và vay ưu đãi đã thực hiện đối với kho bạc để ghi nhận đánh giá giá trị giải ngân; ưu tiên hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản ngay từ những tháng đầu năm;

Phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị, cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ công tác làm công tác kế hoạch; theo dõi sát, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình, kế hoạch thực hiện giải ngân của từng dự án, gói thầu để kịp thời báo cáo Bộ điều chỉnh kế hoạch của dự án phù hợp với thực tế triển khai.

Đồng thời, Bộ yêu cầu các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban QLDA xử lý các thủ tục liên quan để tạo thuận lợi cho các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án theo tiến độ yêu cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận