Bỏ chấp thuận tuyến: Bước đột phá trong kinh doanh vận tải

Doanh nhân 28/08/2016 06:20

Thông tư 60 được xem là bước đột phá lớn trong việc tổ chức, đổi mới quản lý kinh doanh vận tải, đồng thời giảm tối đa các khoản chi phí không cần thiết trong quá trình đăng ký khai thác tuyến của các doanh nghiệp. Sau 8 tháng đi vào hoạt động, Thông tư 60 đã được các doanh nghiệp vận tải đánh giá cao và nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý vận tải vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

thong tu 60
Bỏ chấp thuận luồng tuyến - bước đột phá trong kinh doanh vận tải

Bước đột phá trong quản lý

Từ ngày 01/01/2016, doanh nghiệp vận tải thay vì chờ các sở GTVT chấp thuận cho phép vào khai thác tuyến thì sẽ được kiểm tra năng lực, đấu thầu công khai. Điểm mới của Thông tư là các sở GTVT phải công khai quy hoạch luồng tuyến vận tải và công bố doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào tuyến xe đó sau khi nhận được đơn đăng ký. Nếu có từ 2 doanh nghiệp đăng ký trở lên thì sở GTVT tổ chức đấu thầu công khai. Với quy định này, xe của doanh nghiệp hoạt động tại các bến sẽ không phải thực hiện việc đăng ký và được sự chấp thuận của sở GTVT địa phương.

Theo thông tin từ Vụ Vận tải (Bộ GTVT), để loại bỏ thủ tục chấp thuận tuyến, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vừa được Bộ GTVT phê duyệt, các sở GTVT có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy xe chi tiết trên trang thông tin điện tử của sở; các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trên tuyến căn cứ vào biểu đồ chạy xe nêu trên chủ động đăng ký với sở GTVT nơi đầu bến.

Việc sử dụng quy trình lựa chọn đơn vị khai thác trên tuyến thay cho thủ tục chấp thuận tuyến như trước đây sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đăng ký khai thác trên tuyến, đồng thời cũng đưa ra các tiêu chí lựa chọn đơn vị khai thác cụ thể, công khai, minh bạch, giúp các sở GTVT thực hiện công tác quản lý nhà nước hiệu quả, nhanh chóng hơn. Ví dụ, nếu như trước đây chưa có quy trình lựa chọn tuyến thì các sở GTVT sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn một đơn vị kinh doanh vận tải có đủ năng lực tham gia khai thác tuyến trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu đăng ký khai thác một tuyến mới. Nhưng hiện nay, với quy trình lựa chọn tuyến có đầy đủ các tiêu chí do Bộ GTVT ban hành, sở GTVT căn cứ vào đó sẽ lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để khai thác tuyến mới.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc Bộ GTVT đồng ý bỏ chấp thuận tuyến là bước đột phá để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phát triển. Sự khác biệt cơ bản của quy định bỏ chấp thuận tuyến được Bộ thông qua là việc công khai quy hoạch chi tiết trên từng tuyến vận tải. Điều này góp phần ổn định thị trường vận tải và xóa được cơ chế “xin - cho”, quan liêu, bao cấp.

Những nội dung bổ sung, sửa đổi Thông tư 63 được nêu trong Thông tư 60 đã chứng tỏ, ngành GTVT đã lắng nghe và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị mà doanh nghiệp trình bày tại các buổi đối thoại trực tuyến, đặc biệt ở hội nghị đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GTVT và các doanh nghiệp vận tải. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết của người đứng đầu ngành GTVT với sự sống còn và phát triển của lĩnh vực vận tải. 

Cần siết chặt quản lý vận tải

Thông tư 60 được đánh giá là một trong những biện pháp mới góp phần khắc phục tình trạng xe “dù”, bến “cóc”. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe “dù”, bến “cóc” ở các thành phố lớn đang có những diễn biến bất thường và chưa có dấu hiệu đi vào nền nếp. Hệ lụy của vấn nạn xe “dù” núp bóng chạy tuyến cố định đã phá vỡ các quy hoạch về bến bãi vận tải hành khách tại các thành phố lớn, gây UTGT, tệ nạn phát sinh do xe vào nội thành gây mất an ninh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vào bến làm ăn chân chính.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Phó giám đốc Sở GTVT Lào Cai Nguyễn Văn Thạo cho biết, từ khi Thông tư 60 ra đời đã giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh doanh vận tải, số lượng xe hợp đồng vận chuyển hành khách từ TP. Lào Cai đi Sa Pa cũng như du khách trong và ngoài nước đến với Lào Cai, khu du lịch Sa Pa là rất lớn. Trước hoạt động của loại hình vận tải này, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn khi những quy định về điều kiện để xe hợp đồng được phép hoạt động tương đối dễ dàng. Đi kèm với đó là tình trạng xe khách trá hình (xe hợp đồng chạy vòng vo đón khách, xe chở khách theo hợp đồng hoạt động như xe khách tuyến cố định…).

Việc phát hiện, xử lý các xe khách trá hình (xe có phù hiệu xe hợp đồng nhưng hoạt động giống như xe khách tuyến cố định) cần có sự phối hợp của Sở GTVT các tỉnh liên quan (nơi cấp phù hiệu, trực tiếp quản lý phương tiện). Rất nhiều xe khách trá hình không bị ngăn chặn ngay từ các địa phương khác trước khi đến Lào Cai và chỉ các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai tìm cách ngăn chặn xe trá hình trên địa phương mình nhưng khó phát hiện. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi mong muốn Bộ GTVT tiếp tục rà soát và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà xe thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 86 và Thông tư 60, trong đó xe hợp đồng, du lịch phải báo cáo về việc thực hiện hợp đồng, từ đó làm cơ sở xử lý vi phạm đối với những xe cố tình vi phạm.

“Lào Cai chỉ là một trong số những địa phương đang phải “đối phó” với tình trạng xe hợp đồng, xe khách trá hình lộng hành. Đây là hiện tượng “nhức nhối” đối với lực lượng quản lý nhà nước và đối với toàn xã hội. Nó không chỉ làm mất đi hình ảnh đẹp của ngành GTVT mà còn ảnh hưởng tới những doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Thiết nghĩ, Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sớm ban hành những quy định quản lý và chế tài xử phạt vi phạm đối với hình thức xe hợp đồng để tránh tình trạng “lộng hành” như hiện nay”, ông Thạo chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận