Bình Dương: Đầu tư đường bộ để phát triển logistics

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/05/2018 06:25

Bình Dương là địa phương tuy không có sân bay, cảng biển... nhưng lại luôn nằm trong danh sách Top 3 về thu hút nguồn vốn FDI. Lợi thế của Bình Dương được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là khu vực tam giác vàng tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai - hai địa phương có tốc độ phát triển kinh tế sôi động bậc nhất cả nước.

 

1 DEN TRANG

Cảng ICD Sóng Thần nằm trên ĐT743 của tỉnh Bình Dương 

Những năm qua, Bình Dương luôn nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đồng bộ, kết nối với nhiều vùng kinh tế khác trong nước và khu vực. Các khu công nghiệp trong tỉnh tương đối hiện đại, quy mô lớn, có khả năng sản xuất khối lượng lớn hàng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện tại hạ tầng logistics Bình Dương phát triển khá đồng bộ, có khả năng phục vụ tốt cho các hoạt của ngành, bao gồm hệ thống cảng sông: An Sơn, Thạnh Phước, Bình Dương, Bà Lụa. Hệ thống cảng cạn (ICD) gồm: 02 ICD đang hoạt động là ICD Sóng Thần và cụm cảng - Trung tâm Logistics Dĩ An.

Hệ thống kho bãi hàng hóa hiện có hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm các hoạt động như: Vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi, dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan…

Về hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành các tuyến đường trọng điểm như: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, đường ven sông Sài Gòn, các tuyến đường tỉnh… nhằm gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Bá Luận - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết: “Thực hiện chương trình, kế hoạch của tỉnh về đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua các cơ quan, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai và thực hiện các dự án nhằm hoàn thành tốt các công trình giao thông trọng điểm, trong đó có thể kể đến dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần và nhánh rẽ cầu vượt Sóng Thần. Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 3275/UBND-KTTH ngày 22/9/2015 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020) và giao cho địa phương có đoạn đường đi qua triển khai thực hiện. Dự án do Tổng công ty Becamex thực hiện đầu tư xây dựng phần hạ tầng xây lắp và được hạch toán chi phí xây lắp này vào giá thành xây dựng Khu đô thị mới thuộc Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Quy mô đầu tư 6 đến 8 làn xe, kết hợp cầu vượt và cải tạo nút giao Sóng Thần.

Hình 2

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn giao nhau với QL1K

 

Cũng theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, thời gian qua do tuyến ĐT743 đoạn từ ngã tư Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch của tỉnh, vì vậy tình trạng UTGT trên tuyến ngày càng gia tăng, nhất là tại nút giao với vòng xoay ngã 6 An Phú và nút giao ngã tư 550, gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Do đó, Sở đã có công văn tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho triển khai đầu tư thi công xây dựng trước hai hạng mục cầu vượt tại ngã 6 An Phú và ngã tư 550. Đến ngày 28/11/2017, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương triển khai đền bù, thi công trước hai cầu vượt này, yêu cầu Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương khẩn trương hoàn thành công tác đền bù, bàn giao mặt bằng hai vị trí cầu vượt nêu trên để Tổng công ty Becamex triển khai thi công.

Một trong những dự án trọng điểm sắp hoàn thành của tỉnh là đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Dự án đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư theo phương thức Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, Tổng công ty Becamex ICD đầu tư xây lắp, bao gồm: Đoạn từ ĐT741 đến cầu Bà Khâm (dài 26,7km), đoạn từ cầu Bà Khâm đến cầu Đồng Nai (dài 270m) và đoạn từ ĐT741 đến Mỹ Phước 3.

Thời gian qua, do lượng phương tiện lưu thông trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn ngày càng tăng, gây UTGT tại các nút giao thông lớn vào giờ cao điểm, đặc biệt là tại nút giao ĐT743 (Phú Lợi) và Mỹ Phước - Tân Vạn, Sở GTVT đã có Công văn số 5296/SGTVT-QLCL ngày 10/11/2017 tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho tách hạng mục cầu vượt tại nút giao ĐT743 (Phú Lợi) và Mỹ Phước - Tân Vạn (thuộc Dự án phát triển hạ tầng giao thông và tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên), giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư để thực hiện đầu tư, xây dựng trước hạng mục cầu vượt này nhằm khắc phục tình trạng UTGT khu vực giao lộ này.

Ngoài ra, còn nhiều công trình trọng điểm khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, kết nối với các tỉnh lân cận… là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương này

Ý kiến của bạn

Bình luận