Bất lực với "xe dù", "bến cóc"?

Ý kiến 30/09/2015 10:42

Cơ quan chức năng TP.HCM thường xuyên kiểm tra, xử phạt nạn "xe dù", "bến cóc" nhưng tình trạng này không những không giảm mà còn diễn ra tràn lan.

Chẳng lẽ, các cơ quan chức năng bất lực trước những diễn biến và sự biến tướng của "xe dù", "bến cóc".

Cứ mở đường là có "bến cóc", "xe dù"

Gần đây, nhiều hãng xe lớn như: Thiên Phú, Toàn Thắng, Hoa Mai, Nam Phương (chủ yếu chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu)… và các loại xe từ 15 đến 45 chỗ ngồi khác ngang nhiên đỗ tràn lan trên đường Mai Chí Thọ (hướng từ Quận 2 lên hầm Thủ Thiêm về trung tâm thành phố), gây mất trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Đáng nói, các nhà xe này xem đây như bãi trung chuyển đưa đón khách đến và đi khỏi TP Hồ Chí Minh. Tình trạng, "xe dù", "bến cóc" nhiều đến nỗi mà nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) Lê Trung Tính thốt lên: "Gần như ở mọi lúc mọi nơi". Đơn cử như: Xe chạy tuyến cố định đón trả khách ở ngoài bến bãi; Xe hợp đồng núp bóng xe du lịch; Xe hợp đồng lấy khách ngoài bến bãi; Xe chạy tuyến liên vận quốc tế… tại các quận 1, 3, 5, 6, 11, Tân Bình…

Giải thích về điều này, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng Thanh tra Sở cũng đã nắm biết được tình trạng xe đỗ tràn lan trên đường Mai Chí Thọ. Thậm chí, những bãi xe này ngày càng biến tướng và nở rộ. Thế nhưng, đây là tuyến đường cho phép đỗ xe và không có biển thu phí nên Thanh tra Sở và lực lượng chức năng không thể xử phạt. "Chúng tôi đã đề xuất lên Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố trình HĐND cho phép thu phí giống như các tuyến đường ở trong nội thành, tránh tình trạng các nhà xe "đỗ chùa". Tuy nhiên, nếu được chấp thuận thì cũng phải chờ tới vài năm nữa. Bên cạnh đó, các dịch vụ bãi giữ xe ô tô trá hình, núp bóng danh nghĩa giữ xe để hoạt động thành "bến cóc" nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ triệt để. Trong khi, việc kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không thể thực hiện được do luật không quy định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp này", ông Việt cho hay.

xedu
Đường Mai Chí Thọ đang bị xe khách chiếm dụng để đón, trả khách.

Theo thống kê từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.000 xe vận tải hành khách theo tuyến cố định. Xe vận tải hợp đồng là hơn 12.400 chiếc và xe du lịch hơn 400 xe. Đáng lo ngại, tình trạng ''xe dù", "bến cóc" biến tướng ngày càng tinh vi, xử lý vi phạm xong vẫn tái diễn. Đây là một trong những vấn nạn nhức nhối mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có lời giải.

Nhiều "kẽ hở" trong luật

Trao đổi với phóng viên Báo Hà nội mới, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng Luật Giao thông đường bộ quy định việc kinh doanh vận tải bằng ô tô có 5 loại hình (tuyến cố định, xe buýt, taxi, hợp đồng và du lịch). Riêng loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm. Trong khi, Luật Du lịch lại quy định kinh doanh vận chuyển khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách theo tuyến, chương trình và tại các khu, điểm và đô thị du lịch. Điều đáng nói, tuyến du lịch thực chất là tuyến cố định nhưng không buộc phải vào bến. Chưa dừng lại, đối với xe vận chuyển khách du lịch, nếu chiếu theo Luật Du lịch năm 2005 thì không quy định cấm đơn vị kinh doanh vận tải đón, trả khách tại trụ sở văn phòng. Đây rõ ràng là hình thức "lách luật" mà lâu nay dư luận cho rằng đó là "xe dù".

Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bản thân không có đủ ô tô để vận chuyển khách nên thuê mướn xe bên ngoài để kinh doanh, sử dụng phù hiệu "xe hợp đồng" để vận chuyển. Thậm chí, một số phương tiện của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vận chuyển khách du lịch nên chuyển sang đăng ký vận chuyển khách hợp đồng để được cấp phù hiệu "xe hợp đồng" rồi dùng phương tiện này để vận chuyển. Tình trạng này diễn ra phổ biến làm cho các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Quan ngại hơn, các loại xe hợp đồng biến tướng "xe dù" thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được doanh nghiệp, hợp tác xã ký khống trước khi vận chuyển. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình.

Cũng theo cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, trong thực tế, hoạt động vận tải hành khách "xe dù" không đơn thuần là xe hoạt động không có đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải mà thường biến tướng, đội lốt dưới danh nghĩa đơn vị vận tải hành khách có đầy đủ chức năng, có đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải, và hoạt động bằng nhiều hình thức tinh vi như: Xe vận chuyển khách du lịch, du lịch lữ hành (open tour); xe chạy tuyến cố định; xe chạy hợp đồng; xe vận chuyển khách liên vận quốc tế… Bên cạnh đó, theo quy định thì một đơn vị kinh doanh vận tải được phép đăng ký hoạt động với nhiều loại hình vận tải khách hoặc một phương tiện đưa vào hoạt động kinh doanh nhưng có nhiều loại phù hiệu. Thực tế có nhiều doanh nghiệp hoạt động cả 3 loại hình vận tải khách. Từ đó, các doanh nghiệp dễ dàng biến tướng từ xe vận chuyển khách hợp pháp thành "xe dù", làm cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Ý kiến của bạn

Bình luận