Bảo trì đường bộ: Bảo đảm đúng quy trình, công khai - minh bạch

Tác giả: Nguyễn Hữu Sinh

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 25/09/2017 06:10

Theo Tổng cục ĐBVN, các gói thầu thi công sửa chữa có giá trị từ 01 tỷ đồng và các gói thầu tư vấn có giá trị từ 0,5 tỷ đồng trở lên đều tiến hành đấu thầu rộng rãi. Các trường hợp giá gói thầu nhỏ hơn thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định.

 

Thi công sửa chữa mặt đường bằng công nghệ bê tông
Thi công sửa chữa mặt đường bằng công nghệ bê tông nhựa siêu mịn

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, việc lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa, nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án, lập thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn khác được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, các gói thầu thi công sửa chữa có giá trị từ 01 tỷ đồng và các gói thầu tư vấn có giá trị từ 0,5 tỷ đồng trở lên đều tiến hành đấu thầu rộng rãi trên cơ sở thông báo mời thầu đăng công khai trên Báo Đấu thầu. Các trường hợp giá gói thầu nhỏ hơn thì được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Quá trình thực hiện bên mời thầu của các chủ đầu tư đều đã áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, mẫu báo cáo đánh giá hồ sơ đầu tư và mẫu báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công sửa chữa, các nhà thầu tư vấn từ nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) thực hiện theo Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, tương tự như quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tại các dự án đầu tư xây dựng”, ông Huyện khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, đối với dịch vụ công ích quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về sản phẩm dịch vụ công ích. Theo Phụ lục B của Nghị định thì việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ công ích về quản lý, BDTX đường bộ được thực hiện theo 2 hình thức là đặt hàng và đấu thầu. Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 31/2014/TT-BGTVT ngày 4/9/2014 hướng dẫn công tác đặt hàng, đấu thầu dịch vụ quản lý bảo trì đường bộ sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương.

Từ năm 2013, được phép của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN xây dựng phương án đấu thầu thí điểm cho 4 tuyến quốc lộ (QL10 do Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) I thực hiện, QL9 do Cục QLĐB II thực hiện, QL26 do Cục QLĐB III thực hiện và QL1 đoạn qua Bạc Liêu do Cục QLĐB IV thực hiện), thời gian thực hiện hợp đồng BDTX là 3 năm, từ 2014 - 2016. Giá dự toán trung bình 80 triệu/km/năm, bằng khoảng 70% so với định mức chi phí đầy đủ. Do đó, một số khối lượng chưa cấp thiết bị cắt giảm, các công việc quan trọng trong dự toán được tính đủ theo định mức của Bộ GTVT.

Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN đã xây dựng phương án đấu thầu căn cứ của Nhà nước về việc minh bạch các yếu tố hình thành giá. Đảng ủy Tổng cục ĐBVN đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đấu thầu trong bảo trì. Theo đó, sẽ xác định cụ thể từng công việc và khối lượng thực hiện đầy đủ, phù hợp với định mức để bảo đảm giá dự toán duyệt 25 triệu/km, đồng thời xác định các công việc có trong dự toán duyệt sẽ được quy định tiêu chí nghiệm thu chất lượng.

“Đối với các hư hỏng mặt đường, Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT cho duyệt dự án đột xuất. Kết quả đấu thầu 129 gói, trong đó có 115 gói thực hiện dịch vụ công ích quản lý, BDTX và 14 gói lai ghép sửa chữa định kỳ với thực hiện dịch vụ công ích quản lý, BDTX. Thời gian thực hiện hợp đồng BDTX của 129 gói từ năm 2015 - 2017. Tổng giá dự toán 129 gói là 1.459,75 tỷ đồng; tổng giá trị trúng của 129 gói là 1.377,7 tỷ đồng; tiết kiệm 82,05 tỷ đồng, bằng 5,62% giá dự toán”, ông Huyện cho hay.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định về một loại công việc, dẫn đến các thủ tục thực hiện còn chưa đồng nhất, gây khó khăn không nhỏ cho việc tổ chức thực hiện. Luật Đầu tư công cũng coi việc bảo trì sửa chữa đưa vào kế hoạch đầu tư công nhưng lại mâu thuẫn với Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ 2008. Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn, nhất là Nghị định 59/2015/NĐ-CP chỉ quy định về ban quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực. Nghị định số 46/2015/NĐ-CP chưa quy định mô hình quản lý của công tác bảo trì. Bộ GTVT đã trình Chính phủ rất nhiều lần về cơ chế đặc thù trong công tác bảo trì đường bộ nhưng chưa được ban hành.

Công tác bảo trì vừa là sản phẩm dịch vụ công ích quy định tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP, vừa là các hoạt động xây dựng dẫn đến: Về lựa chọn nhà thầu, vừa phải áp dụng các hình thức đấu thầu, chỉ định thầu (nếu được phép) theo quy trình của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, lại vừa đấu thầu và đặt hàng theo Nghị định 130 nêu trên; giá dự toán dịch vụ (công việc) bảo trì vừa lập theo quy định của pháp luật về xây dựng (Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng), lại phải lập theo quy định về giá sản phẩm dịch vụ công ích (Nghị định 130 và Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ GTVT)

Ý kiến của bạn

Bình luận