Báo Mỹ chê thậm tệ máy bay chiến đấu mới của Ấn Độ

Sản phẩm 27/11/2016 06:23

Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch xuất khẩu máy bay chiến đấu Tejas do nước này sản xuất.

 

photo-1-1480035850226-0-8-371-605-crop-14800358998
 

Một tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói rằng: “Chính phủ có mong muốn xuất khẩu phi cơ chiến đấu hạng nhẹ Tejas sang các quốc gia khác. Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi cơ bản với một vài nước bạn. 

Hiện tại, công ty quốc phòng HAL có thể chế tạo và bàn giao 8 chiếc Tejas mỗi năm. Đến năm 2019 - 2020, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất lên từ 8 đến 16 chiếc”.

Hiện vẫn chưa rõ những nước nào đang bày tỏ sự quan tâm đến loại máy bay này, mặc dù New Delhi đã cố gắng quảng bá Tejas khi cho phép nó xuất hiện tại triển lãm hàng không Bahrain vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, tạp chí National Interest nhận định, do Ấn Độ đã bắt đầu phát triển Tejas từ những năm 1980 mà không cho ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, các đồng minh của Ấn Độ có thể sẽ không muốn mua loại phi cơ này. Thêm nữa, mặc dù Tejas đã trải qua 33 năm phát triển và chế tạo, máy bay này vẫn gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật.

Tuy vậy, Ấn Độ khẳng định rằng máy bay Tejas có khả năng chiến đấu tương đương máy bay Rafale của Pháp. “Đây là loại máy bay được sản xuất hoàn toàn nội địa và có thể sánh với bất kỳ máy bay tiêm kích nào khác trên thế giới, ví dụ như Rafale”, ông Parrikar trả lời báo giới. 

“Chỉ có điều là khác với Rafale, nó là một máy bay hạng nhẹ. Nó chỉ mang được tối đa 3,5 tấn tên lửa, còn Rafale mang được 9 tấn. Rafale cũng bay nhanh hơn Tejas bởi nó có động cơ đôi”.

Thế nhưng, Tejas hoàn toàn không cùng đẳng cấp với các máy bay chiến đấu đang được xuất khẩu trên thế giới. 

Máy bay JAS-39 Gripen của Thụy Điển và thậm chí là các phiên bản F-16 và F/A-18 cũ được nâng cấp có khả năng chiến đấu tốt hơn Tejas và thậm chí có giá rẻ hơn. Hơn nữa, với nhiều thiết bị có nguồn gốc từ Israel, Pháp, Nga và Mỹ, Tejas sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu.

Mặc dù số thiết bị của nước ngoài chỉ chiếm 25% tổng số thiết bị được lắp đặt trên Tejas, song chúng rất quan trọng đối với một phi cơ chiến đấu. 

Chúng bao gồm radar EL/M-2032 của Israel, hệ thống định vị gắn trên mũ phi công cũng của Israel, ghế thoát hiểm Martin Baker của Anh và động cơ phản lực F404 của Mỹ. Thêm vào đó, pháo GSh-23 của Nga cũng được lắp đặt trên máy bay Tejas. 

Do sử dụng động cơ của Mỹ, Washington có thể quyết định quốc gia mà họ không muốn Ấn Độ xuất khẩu Tejas. Vì rào cản này, khách hàng tiềm năng của Ấn Độ có thể sẽ chọn mua F-16 hoặc F/A-18 tốt hơn về nhiều mặt.

Trong khi đó, New Delhi vẫn tiếp tục nghiên cứu để chuẩn bị cho ra mắt phiên bản Tejas Mk-I mới, dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2025. Phiên bản mới này sẽ được lắp đặt động cơ F414, ban đầu được dành cho máy bay F/A-18 của Mỹ. 

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang xem xét nghiên cứu chế tạo động cơ Kaveri, một động cơ sản xuất trong nước song không thỏa mãn những yêu cầu mà quân đội Ấn Độ đặt ra. Hãng Smecma của Pháp hiện đang hợp tác với các công ty Ấn Độ để cải thiện khả năng của động cơ này để nó được đưa vào sử dụng vào năm 2018.

Xét đến những vấn đề mà Ấn Độ đã gặp phải trong việc phát triển máy bay chiến đấu nội địa, tính năng của Tejas không được đánh giá cao. Theo National Interest, Không quân Ấn Độ nên mua một máy bay chiến đấu từ một trong số những nước đồng minh và ngừng sử dụng máy bay Tejas.

Ý kiến của bạn

Bình luận