Báo động tiến độ cao tốc Hậu Giang - Cà Mau do thiếu cát đắp nền đường

Đầu tư - Hạ tầng 22/08/2023 12:19

Do thiếu nguồn cát đắp để xử lý nền đất yếu khiến hạng mục thi công nền đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đang bị vỡ tiến độ sau hơn 8 tháng khởi công. Nhiều phương tiện, máy móc của các nhà thầu đang đứng bánh vì không có cát để triển khai công việc.

Video: Toàn cảnh thi công dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 2.

Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài 73,22km tuyến chính và 16,6km tuyến nối, tổng mức đầu tư khoảng 17.152,65 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 26,1km, tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7km, tỉnh Kiên Giang khoảng 17,04km, tỉnh Cà Mau dài 21,86km tuyến chính và 16,59km tuyến nối.

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau được khởi công ngày 1/1/2023. Hiện nay, trên công trường, các nhà thầu đang đồng loạt triển khai 88 mũi thi công, gồm: Hơn 252 thiết bị, 150 kỹ sư và 421 công nhân. Đến nay, tổng sản lượng tiến độ của dự án đạt 7,5%, chậm tiến độ so với kế hoạch.

Thông tin về tình hình thực hiện GPMB dự án qua địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương luôn cố gắng bàn giao mặt bằng sớm nhất cho các dự án giao thông trọng điểm.

"Đến nay, khối lượng công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Cà Mau không còn nhiều. Địa phương đang tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, sẽ cơ bản hoàn thành phần còn lại trong tháng 8/2023 trên tuyến chính. Đối với tuyến nối, tổng số hộ bị ảnh hưởng 216 hộ và 01 tổ chức. Chúng tôi cũng đang gấp rút để thực hiện nhanh chóng, bên cạnh đó là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật được thực hiện đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công", ông Nhẫn thông tin.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 4.

Đối với dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài hơn 73km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài 21,9km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có đầu tư đoạn tuyến nối để kết nối từ điểm cuối cao tốc đến Quốc lộ 1, chiều dài 16,6km. (Trong ảnh: Khu vực đường nối của tuyến cao tốc với Quốc 63 đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau)


Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 5.

Tổng chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 675,60 tỷ đồng.

Ngoài vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự án cũng đang đứng trước nguy cơ không thể thi công phần đường do thiếu nguồn vật liệu cát. 

Có mặt tại công trường, theo ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải, nhiều khu vực công địa được đào bóc, trải vải địa đang "nằm" chờ cát ở tất cả gói thầu. Hàng chục chiếc xe ủi, máy đào,... phải đứng bánh. Bên cạnh đó là cảnh tượng nhiều tuyến đường công vụ thi công dang dở do không có cát đắp,... xung quanh là những ruộng nước mênh mông.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 6.

Máy móc thi công nền đường phải đứng bánh "nằm" chờ cát bởi lượng cát còn lại từ các mỏ cung cấp ra bên ngoài nhỏ giọt, không như cam kết.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 7.

Một căn nhà xuất hiện lọt thỏm tại dự án, dù xung quanh đã được bàn giao và thi công xong.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 8.

Được biết, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án cần khoảng 18,5 triệu m3 và tập trung chủ yếu vào năm 2023 và 2024. Nhưng đến nay mới chỉ có tỉnh Đồng Tháp cung ứng được hơn 0,3 triệu m3 (khoảng 2% nhu cầu) từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 9.

Ban QLDA Mỹ Thuận đánh giá, ngoài nguyên nhân chủ quan thì tại công trường một số nhà thầu chưa quyết liệt, khắc phục khó khăn; Chưa chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu, tìm giải pháp thi công mới, huy động thiết bị chưa kịp thời và chưa đủ như cam kết.

Trên công trường dự án, PV Tạp chí Giao thông vận tải cũng ghi nhận đoạn đường đang thi công thí điểm cát biển với chiều dài khoảng 300m. Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành láng nhựa 3 lớp và cho các phương tiện chở vật liệu phục vụ thi công dự án lưu thông trên tuyến; Công tác quan trắc định kỳ theo đề cương được duyệt vẫn tiếp tục thực hiện.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 10.

Khu vực thử nghiệm đắp cát biển tại dự án trên tuyến đường tỉnh 978. Dự kiến, cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển. Do đó, trong năm 2023 - 2024, nguồn vật liệu san lấp cho dự án vẫn là cát sông. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn vẫn không thể tìm được nguồn cát, dù tiến độ dự án đang được tính từng tuần, từng tháng.

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 11.

Nhà thầu vẫn đang tập trung thi công các cầu trên tuyến chính

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu nguồn cát đắp - Ảnh 12.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, trước những khó khăn về triển khai thi công dự án, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên nguồn vật liệu cát cấp cho dự án. Cụ thể, tỉnh An Giang có kế hoạch hỗ trợ nhà thầu tiếp tục tiếp nhận 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ đã bố trí cho dự án ngay trong tháng 8/2023 và sớm triển khai thủ tục đối với 2,2 triệu m3 như dự kiến, để đảm bảo đủ 3,3 triệu m3 trong năm 2023.

Tỉnh Đồng Tháp cần quan tâm và sớm bố trí 0,5 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác trong tháng 8/2023 như dự kiến. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp cần đẩy nhanh việc hỗ trợ các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ cấp quyền khai thác các mỏ mới ngay trong tháng 8 và tháng 9/2023.

Về công tác GPMB, các tỉnh, thành phố, cần tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng và không cản trở thi công dự án. Trong đó, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang sớm có phương án bố trí ngay nền tái định cư cho hộ dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các vị trí thi công cầu để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho dự án.