Báo động tai nạn lao động gia tăng ở Đà Nẵng

14/03/2016 09:29

Theo Thanh tra Sở LĐTBXH Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố, không chỉ tại công trình xây dựng nhà riêng, mà ngay tại một số công trình xây dựng cao tầng của các nhà thầu thi công có tiếng, chủ đầu tư lớn, vẫn còn nhiều quy định về an toàn lao động chưa được chấp hành, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Báo động tai nạn lao động gia tăng ở Đà
Công trình khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng, nơi 6 công nhân thiệt mạng vì sập vận thăng. Ảnh: N.B

Quản lý yếu kém hay bất lực?

Vụ tai nạn sập vận thăng xảy ra tại công trình khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng (đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) mới đây cướp đi toàn bộ 6 mạng người khi sử dụng vận thăng chuyển người và hàng lên các tầng cao phục vụ xây dựng trong đêm tối. Công trình do Cty TNHH MTV Duyên hải (Quân khu 3, Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Thực tế xảy ra vụ việc cho thấy, công tác quản lý lao động và sử dụng các thiết bị chuyên dụng tại các công trình xây dựng không được quản lý chặt chẽ. Khi tai nạn lao động xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc mới tá hỏa là “thiếu giám sát”, “không nắm được nguyên tắc vận hành thiết bị”.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn này, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết: “Tôi yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra lại quy trình xử lý sự cố, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tất cả các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình cao tầng để đảm bảo an toàn lao động, tuyệt đối không để các sự việc đáng tiếc tương tự tái diễn”.

Như “bom” không giờ hẹn

Tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp thường gây ra nhiều tổn thất về con người, tài sản, kéo theo nhiều hậu quả khó có thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Đằng sau mỗi vụ tai nạn lao động là nỗi đau khôn lường cho người thân, gia đình nạn nhân. Và qua mỗi sự vụ như vậy, cơ quan quản lý về lao động luôn trong tình trạng “chạy sau” về giám sát thực hiện các quy định.

Thống kê của Thanh tra Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho thấy, từ năm 2011-2015, trên địa bàn Đà Nẵng có 56 vụ tai nạn lao động làm 56 người chết, trong đó riêng lĩnh vực xây dựng xảy ra 28 vụ làm 28 người chết (chiếm 1/2). Một thực trạng đang diễn ra trên nhiều công trường là công nhân, người lao động phần lớn thiếu kiến thức về an toàn lao động để có thể tự bảo vệ mình. Một điều đáng buồn là tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng luôn cao. Lý do, có khoảng 80% số công nhân ngành xây dựng là lao động tự do, lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Lực lượng lao động này chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, ý thức tự bảo vệ chưa tốt, đây là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng.

Những công nhân xây dựng nhà ở dân dụng, công nghiệp, cầu đường... không chỉ phải chịu đựng cực nhọc, mà còn phải đối mặt với nguy cơ cao về tai nạn lao động. Đáng nói là, trái ngược với những yêu cầu bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người lao động theo quy định, cảnh người lao động phải đứng chênh vênh trên những giàn giáo đơn sơ, tạm bợ, hoặc làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị an toàn vẫn diễn ra phổ biến. Quan sát các công trình xây dựng, phần lớn công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ, nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ.

Không chỉ vậy, theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, việc sử dụng các thiết bị phục vụ xây dựng, đặc biệt là cẩu tháp vẫn chưa được nhiều nhà thầu tuân thủ quy định đảm bảo an toàn lao động, vận hành. Vẫn có nhà thầu bị xử phạt vì không có biện pháp đảm bảo an toàn cho cần trục tháp; không có văn bản chấp thuận lắp đặt cần trục tháp.

Ý kiến của bạn

Bình luận