Báo động gia tăng các vụ cháy nổ phương tiện giao thông

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 17/03/2017 04:10

Trong gần 3 tháng đầu năm, tình hình cháy, nổ nói chung, trong đó có cháy nổ phương tiện giao thông diễn biến phức tạp.


chay-xe1-2212-1487818949
Chiếc xe bốc cháy nghi ngút giữa đường Hoàng Đạo Thuý ngày 23/2.( Ảnh: Đinh Mạnh Tiến)

Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, trong gần 3 tháng đầu năm, tình hình cháy, nổ nói chung, trong đó có cháy nổ phương tiện giao thông diễn biến phức tạp. Thông tin tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống cháy nổ ngày 14/03/2017 vừa qua, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong hơn hai tháng vừa qua, số vụ cháy gia tăng bằng khoảng 1/3 tổng số vụ năm 2016.

Về tình hình cháy nổ phương tiện giao thông đường bộ, theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công An, trong 6 tháng cuối năm 2016 đã xảy ra 20 vụ cháy nổ xe máy, 125 vụ cháy nổ xe cơ giới và xe máy chuyên dùng. Từ 01/01/2017 đến 20/02/2017 đã xảy ra 4 vụ cháy xe máy, 33 vụ cháy nổ xe ô tô. Trong 33 vụ cháy nổ xe ô tô qua gần 02 tháng đầu năm 2017, Cảnh sát PCCC &CNCH đã xác định được 9 vụ, trong đó 5/9 vụ do sự cố hệ thống điện, 2/9 vụ do tai nạn giao thông và 2/9 vụ do sơ xuất sử dụng lửa.

Trong thời gian vừa qua vẫn xảy ra một số vụ cháy tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa phụ trách địa bàn tỉnh Quảng Ninh siết chặt việc kiểm tra về phòng chống cháy đối với tàu khách và tàu dầu. Trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, thảm khảo các quy định mới của nước ngoài về hệ thống điện, bếp ga và vật liệu sử dụng cho phương tiện thủy nội địa để đưa ra các quy định phù hợp về an toàn kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa các vấn đề liên quan đến phòng chống cháy, nổ trên phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là các phương tiện chở khách và chở khách du lịch.

"Từ trước đến nay, vấn đề về an toàn phòng chống cháy nổ đối với phương tiện thủy nội địa luôn được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đã xảy ra một số vụ cháy phương tiện thủy nội địa. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy tàu xảy ra là do thuyền viên không cẩn thận trong quá trình sử dụng bếp ga để nấu ăn; do thuyền viên và hành khách hút thuốc không đúng quy định; do chập điện, do sạc điện thoại, do bục ống dẫn dầu cấp cho máy chính và một số nguyên nhân khác”, ông Trần Kỳ Hình cho biết.

Xuất phát từ tình hình đó, các cơ quan chức năng đã liên tục có những biện pháp nhằm tăng cường an toàn trong phòng chống và chữa cháy, nổ đó là việc ban hành và triển khai thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống cháy và chữa cháy như Phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy: Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của phương tiện; Quy trình vận hành phương tiện; hệ thống điện, nhiên liệu; việc bố trí, sắp xếp người, vật tư, hàng hóa trên phương tiện phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Thực hiện quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 79/CP nêu trên, trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số QCVN 09-2015/BGTVT của Bộ GTVT quy định xe chở người từ 16 chỗ trở lên phải trang bị bình cứu hỏa và từ 17 chỗ trở lên phải có đủ cửa thoát hiểm và búa phá cửa sự cố…

20170110093130-1
Tàu du lịch cháy dữ dội trên vịnh Hạ Long ngày 10/1. (Ảnh Vietnamnet)

Đối với tàu thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của phương tiện và có phương tiện chữa cháy phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm của phương tiện, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an. Đối với phương tiện thủy nội địa dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ phải có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Phương tiện khi vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trên đường thủy nội địa phải có giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, trên đường thủy nội địa..

"Ngoài việc tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn Cục thực hiện nghiêm việc kiểm soát chất lượng phương tiện đặc biệt là các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, Cục đã chủ động giao các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn chủ xe, lái xe tự kiểm tra hàng ngày, kiểm tra trước khi vận hành để phát hiện những bất thường của phương tiện có thể gây mất an toàn, cháy nổ phương tiện; khuyến cáo người điều khiển, sử dụng phương tiện không lắp thêm các phụ tải của hệ thống điện, thay thế cầu chì đúng chủng loại để đảm bảo công suất sử dụng điện phù hợp với thiết kế của nhà sản xuất, tránh quá tải hệ thống, gây chập, cháy”, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo.

Ý kiến của bạn

Bình luận