Ban cán sự Đảng bộ GTVT họp bàn nhiều nội dung quan trọng

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
02/09/2016 05:43

Ngày 1/9, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Bộ GTVT và bàn nhiều nội dung quan trọng.


 

IMG_6474
Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì cuộc họp

Tiếp tục cải cách hành chính

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT cho biết, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016, về cơ bản, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản quy phạm pháp luật đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày 15/8/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2524/QĐ-BGTVT bổ sung Chương trình xây dựng văn bản QPPL 6 tháng cuối năm của Bộ, trong đó, Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị xây dựng thêm 20 văn bản và điều chỉnh tiến độ của 03 văn bản trong 6 tháng cuối năm 2016. Ngày 26/7/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6186/VPCP- KTN về việc bổ sung Chương trình công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ. Theo đó, đối với 03 nghị định : Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;  Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (thay thế Nghị định số 147/2013/NĐ-CP) và  Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải (thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP): Cũng theo bà Nga, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ GTVT phải lập đề nghị xây dựng đối với 03 Nghị định này theo quy trình mới, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ thông qua mới được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ.

Do đó, bà Nga đề nghị các đơn vị xây dựng với các Nghị định theo quy trình mới. Riêng đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt, do Luật Đường sắt đang trong quá trình sửa đổi nên Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu xây dựng 01 Nghị định mới quy định chi tiết Luật Đường sắt sau khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi).

Cũng theo bà Nga hiện nay, một số văn bản trình Chính phủ trong tháng 9 chưa được gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Do đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng các Nghị định chủ động, khẩn trương hoàn thiện các quy trình liên quan để đảm bảo các văn bản được trình Chính phủ đúng tiến độ (đặc biệt là Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng; Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và Quyết định quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố).

Trong tháng 9/2016, Bộ GTVT phải hoàn thiện và trình Bộ trưởng ký ban hành Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (thay thế Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014 và Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT) và Thông tư quy định danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải và nguyên tắc quản lý chất lượng trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường (thay thế Thông tư số 63/2011/TT-BGTVT ngày 22/12/2011). Đây là 02 Thông tư có nội dung rất phức tạp và nhạy cảm. Đặc biệt là trong bối cảnh dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều đối với sự tồn tại của Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống, liên quan đến quy định doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ GTVT cấp mới được nhập khẩu, kinh doanh xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Bộ GTVT trong 4 năm qua công tác cải cách hành chính luôn dẫn đầu, riêng năm 2015, Bộ GTVT đứng thứ 3, đây là nỗ lực rất lớn của ngành GTVT cần phải phát huy, nhưng trong công tác cải cách hành chính cần phải thực chất hơn nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bàn nhiều dự án quan trọng

Cũng tại buổi làm việc của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT  đã nghe các đồng chí phụ trách lĩnh vực đồng thời cho ý kiến về nhiều vấn đề của Ngành GTVT như: Kết quả quyết toán dự án hoàn thành trong tháng 8 và lũy kế thực hiện 8 tháng năm 2016; Báo cáo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; Báo cáo việc giải quyết kiến nghị của TCT Đường sắt VN tiếp tục triển khai các nội dung công việc đã được ủy quyền…

Sau khi nghe báo cáo và  ý kiến đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh công tác thu phí không dừng; Tổng cục ĐBVN cũng cần chủ động hơn trong công tác bảo trì hệ thống hạ tầng. Tổng cục đã làm tương đối tốt nhưng tính chủ động chưa cao, mới chỉ sửa chữa, bảo trì đường sá khi địa phương hoặc các cơ quan truyền thông nêu lên.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng Dự án được khởi động từ năm 2009 đến nay chưa thực sự bắt đầu là quá chậm. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban PPP có báo cáo cụ thể về Dự án này.

“Ngay sau buổi làm việc này, Bộ GTVT sẽ thành lập ngay một Tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát lại Dự án này một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Thành phần Tổ công tác sẽ gồm đại diện Ban PPP, Thanh tra Bộ; Vụ KHĐT; Tài chính; Cục QLXD&CL CTGT; Pháp chế; Tổng cục ĐBVN đánh giá cụ thể năng lực nhà đầu tư; trình tự thủ tục thực hiện dự án vướng mắc ở đâu? Cân nhắc lại tổng mức đầu tư…sau đó báo cáo lại lãnh đạo Bộ và Chính phủ để xem xét, tháo gỡ”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.

Về công tác quyết toán các dự án BOT, đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này rất nhất quán là phải quyết toán xong mới được thu phí; đối với các dự án đang khai thác rồi phải khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí được cơ quan chức năng yêu cầu. Qua đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu Tổ công tác của Bộ về hỗ trợ các đơn vị thực hiện quyết toán các dự án BOT phải đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đúng trình tự, thủ tục của pháp luật quy định.  Trong quá trình thực hiện các dự án BOT và đưa vào khai thác, sử dụng, có 3 vấn đề mà ngành GTVT phải làm rõ ràng đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân đó là minh bạch và sáng suốt trong khâu lựa chọn nhà đầu tư; trong quá trình xây dựng dự án đảm bảo chất lượng và mimh bạch trong thu phí, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn

Bình luận