Áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới xây dựng giao thông nông thôn

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Ứng dụng 06/07/2015 10:01

Sáng 6/7, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 – 2020.

Doan chu tich
Đoàn chủ tịch

Đến dự và phát biểu khai mạc có đồng chí Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các bộ, ban, ngành và các địa phương và 62 đầu cầu tại các tỉnh, thành phố… Về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Đinh La Thăng, các Thứ trưởng: Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Thể, Lê Đình Thọ và Nguyễn Nhật.

Xây dựng mới trên 47.400 km đường GTNT

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo trước hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng quản lý giao thông nông thôn, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong 5 năm qua, các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy phong trào xây dựng và phát triển GTNT đã đạt được kết quả vượt bậc so với thời kỳ trước năm 2010, chiều dài đường GTNT tăng 217.433 km (tính cả đường nội đồng), tổng vốn huy động đạt 186.194 tỷ đồng (tăng 84.418 tỷ so với cả giai đoạn 10 năm trước và tương đương 183%). Nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng, hạ tầng GTNT ngày càng phát triển từng bước hiện đại theo hướng bền vững.

Giai đoạn này xây dựng mới (bao gồm làm lại toàn bộ đường và làm thêm đường theo các tuyến mới) 47.436 km đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT, tăng 10.251 km so với giai đoạn 2001-2010 và làm mới 61.400 km đường thôn xóm bằng vật liệu tại chỗ, số đường này chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật; Cải tạo, nâng cấp và sửa chữa 103.394 km (bình quân năm tăng 54%). Xây dựng mới 15.474 cầu (bình quân năm tăng 8%) và sửa chữa 11.503 cầu.

Ngoài đầu tư của các địa phương, đến nay Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 170 cầu treo dân sinh theo Đề án xây dựng 186 cầu treo đã duyệt, đến 30/7 sẽ hoàn thành tiếp 16 cầu treo dân sinh thuộc đề án này. Giai đoạn 2015 - 2019, Bộ GTVT sẽ triển khai xây dựng 3.959 cầu dân sinh trên phạm vi các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Đến giai đoạn đó các cầu dân sinh vượt sông, suối tại các vị trí trong yếu trên địa bàn 50 tỉnh trong Đề án sẽ được xây dựng.

Thu truong The
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo tại hội nghị

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, đến nay đã cứng hóa 43.081 km/58.437 km đường huyện (73,72%), 177.164 km/434.455 km đường xã trở xuống đến đường thôn xóm, trục chính nội đồng đạt 40,77%. Tính chung cả nước, hệ thống đường GTNT đã cứng hóa được 220.246 km/492.982 km tương đương 44,68%, còn 55,32% đường GTNT chưa được cứng hóa, trong số này phần lớn là đường thôn, xóm, trục chính nội đồng. Tỷ lệ cứng hóa ở các khu vực trung du, miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và vùng sâu vùng xa còn rất thấp; Khu vực Đồng bằng và các khu vực còn lại đạt tỷ lệ cao hơn.

5 năm qua, các địa phương đã xây dựng, bổ sung rất nhiều các công trình cầu, cống, kiên cố hóa hệ thống thoát nước góp phần cải thiện chất lượng và điều kiện khai thác đường GTNT; xây dựng, cải tạo và đưa nhiều công trình đường thủy, thiết bị vượt sông vào khai thác, góp phần cải thiện việc đi lại và giảm nguy cơ mất ATGT.

Ứng dụng KHCN, vật liệu mới xây dựng GTNT

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, bên cạnh nguồn vốn đầu tư rất lớn, công tác ứng dụng khoa học - công nghệ và vật liệu mới vào đường GTNT đã được áp dụng tại nhiều địa phương, nhiều tuyến đường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công trình và góp phần bảo vệ môi trường.

Về cơ giới hóa, một số địa phương đã sử dụng các thiết bị nạo vét duy tu rãnh thoát nước và các giải pháp cơ giới hóa khác.

Đặc biệt trong công nghệ vật liệu, ngoài việc sử dụng vật liệu truyền thống cho xây dựng kết cấu mặt đường GTNT như cấp phối, đất gia cố vôi, xi măng, đá dăm láng nhựa và mặt đường bê tông xi măng, Bộ GTVT đã cho phép triển khai áp dụng một số loại vật liệu mới để áp dụng trong xây dựng móng, mặt đường GTNT nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng công trình và giảm thiểu tác động đến môi trường, cụ thể như: vật liệu HRB dùng để gia cố đất làm móng, mặt đường; vật liệu carboncor asphalt (công nghệ của Nam Phi) dùng để bảo trì, vá sửa trên tất cả các cấp đường và lớp hao mòn (thay lớp láng nhựa) của mặt đường cấp cao A2;  lớp mặt nhựa colas (vữa nhựa nhũ tương) và công nghệ cào bóc, tái chế móng, mặt đường. Các công nghệ gia cố đất cũng đã được áp dụng tại nhiều địa phương để thi công và xử lý nền đất yếu.

Công tác sửa chữa cầu đã được cải tiến về biện pháp thi công theo hướng thuận lợi, an toàn hơn trước đây. Các giải pháp sửa chữa cầu đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng và tuổi thọ cầu.

images678794_DSC_0489
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh các sản phẩm khoa học kỹ thuật, đã áp dụng vật liệu mới, nhiều địa phương các vật liệu khác của Ấn Độ, Tây Ban Nha cũng đang được sử dụng trong xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì hệ thống đường GTNT.

Một số sản phẩm công nghệ mới trong sản xuất cấu kiệu bê tông cốt sợi, cấu kiệu rãnh parabon do Công ty thoát nước Bà Rịa – Vũng Tàu chế tạo đã được áp dụng tại rất nhiều địa phương, góp phần giảm khối lượng xi măng, cát, đá trên 1 đơn vị cấu kiện. Trong số các địa phương phía Bắc, Hưng Yên là tỉnh có rất nhiều ứng dụng các sản phẩm khoa học - công nghệ mới vào xây dựng, sửa chữa và bảo trì đường GTNT. Nhờ vậy, hệ thống đường GTNT tại tỉnh này có nhiều chuyển biến, tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 60,3% cao hơn trung bình của cả nước. Năm 2013, tỉnh Hưng Yên đã đăng ký tổ chức hội nghị toàn quốc về ứng dụng công nghệ trong sửa chữa, bảo trì hạ tầng GTNT.

Một số mục tiêu cụ thể xây dựng GTNT giai đoạn 2016 – 2020

Hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông xi măng hóa 100% đường xã, đường liên xã đến năm 2020; hoàn thành tỷ lệ đường thôn xóm, đường trục nội đồng được cứng hóa theo quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg.

Hoàn thành ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới, với 4 tiêu chí về GTNT và đạt tỷ lệ 70 % số xã được cứng hóa đường trục thôn xóm theo Quyết định số 800/QĐ-TTg.

Xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã (trừ các nơi vượt sông lớn, hoặc nằm ở các khu vực địa hình phức tạp chi phí đầu tư lớn, không khả thi);  100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông theo Chiến lược phát triển GTNT; Kiên cố hóa hệ thống cầu, cống, hệ thống thoát nước;

Xây dựng bến xe khách cho 168 huyện còn lại, tăng cường vận tải công cộng; cải tạo, nâng cấp bến bãi đỗ xe, bến cảng và luồng lạch đường thủy nội địa và các nội dung khác theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Chiến lược phát triển GTNT.

Đến trước năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn II xây dựng hơn 3.900 cầu của Đề án xây dựng cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố. 

Ý kiến của bạn

Bình luận