An toàn giao thông: Ươm mầm từ mái ấm

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Xã hội 29/06/2017 15:23

Mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu gia đình của mình, phản chiếu hơn 50% sự giáo dục của cha mẹ. Trong các trường hợp trẻ em bị TNGT mà chúng tôi ghi nhận được thì sự hối hận thường thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Tiếng khóc ai oán “giá như…” luôn ám ảnh những người làm công tác đảm bảo ATGT.

 

img_20150106_160853
Mô hình ATGT trong Nhà trường

 Báo động TNGT ở trẻ em dưới 18 tuổi

Theo một nghiên cứu về tỷ lệ trẻ em tử nạn vì giao thông tại TP. Hồ Chí Minh của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, số người chết vì TNGT giảm dần, lần lượt là 775, 702 và 692, nhưng số trẻ em (dưới 18 tuổi) tử vong “tăng sốc”, lần lượt là 35, 61, 111 và có chiều hướng gia tăng.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Trong số liệu trẻ tử vong vì TNGT này có tới 70% trẻ em là học sinh trung học phổ thông. Phần lớn trong số này bị tử vong do tự điều khiển phương tiện, trong đó chủ yếu là đi xe đạp điện và xe máy”.

Đây có lẽ là những con số gây bất ngờ cho các bậc phụ huynh. Với điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay thì cơ hội các em học sinh tiếp cận với xe máy điện, xe đạp điện khá sớm và thậm chí có gia đình sẵn sàng mua cả xe phân khối lớn cho các em điều khiển trong khi các em dưới 18 tuổi về quy định chưa được phép thi và cấp giấy phép lái xe.

Đi một vòng các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, chúng ta có thể thấy số lượng các em học sinh tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện rất lớn, nhưng số lượng các em đội mũ bảo hiểm lại khá khiêm tốn.

Trong vai một người chị đi đón em, tôi tiếp cận với các bạn học sinh thì được biết vô vàn lý do cho việc không đội mũ bảo hiểm: “Em đi từ nhà đến trường gần lắm, đội mũ bảo hiểm mất công đội vào bỏ ra”, “Đội mũ bảo hiểm nóng lắm, trời lại oi bức như thế này”, “Đội mũ bảo hiểm mất hết phom tóc”, “Ui! Đội mũ bảo hiểm bọn bạn em nó cười chết, nhìn như siêu nhân”...

Khi được hỏi các em không sợ bố mẹ hay nhà trường phát hiện ra à? Câu trả lời làm tôi không khỏi bất ngờ: “Nhà trường không biết đâu, gần đến trường em lại bỏ mũ ra đội”, “Em cũng bị phạt hạnh kiểm mấy lần nên cách trường 100m là phải lôi mũ ra đội”, “Đi xe máy thì đúng là phải đội mũ bảo hiểm, chứ xe đạp điện thì không nhất thiết, mẹ em bảo thế”, “Bố em đi xe máy còn không đội mũ bảo hiểm”…

An toàn giao thông - ươm mầm từ mái ấm

Mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu của gia đình, phản chiếu sự giáo dục của cha mẹ. Một hành động xấu của bậc sinh thành có thể vẽ lên “tờ giấy trắng” là những đứa trẻ những hình thù xấu xí. Đặc biệt hơn, trẻ nhỏ đều rất tin tưởng cha mẹ mình và mặc định hành động của cha mẹ là đúng và chúng sẽ làm theo. Chính vì thế, khi phụ huynh vi phạm Luật Giao thông thì không thể dạy bảo con cháu mình làm đúng được.

Trên đường, chuyện những người lớn không đội mũ bảo hiểm khi đi cùng những đứa trẻ không phải là trường hợp hiếm. Không chỉ như vậy, họ còn vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè hay có những hành vi chen lấn, luồn lách, làm ảnh hưởng tới những người cùng tham gia giao thông.

Chị Lan - một người bán trà đá ở một cổng trường cho biết: “Cha mẹ đi đón con rồi cả học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm nhiều lắm. Nhiều đứa mới 16, 17 tuổi còn được bố mẹ mua cho xe máy, rồi chở 3, chở 4, tai nạn như chơi!”.

Cũng theo chị Lan, có cả trường hợp bố mẹ bắt được con đi xe máy chở 3 cũng mắng mỏ, nhưng chúng nó cãi lại là đã không có giấy phép lái xe thì chở 3 hay không đội mũ bảo hiểm cũng như nhau thôi. Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ đã phải ngậm đắng nuốt cay vì mình là người thường vi phạm Luật Giao thông trước mặt con.

Theo các chuyên gia, gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ. Cha mẹ là những người thầy đầu đời của con, để con nhìn vào học tập. Những kiến thức các bạn trẻ học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ hằn sâu và là hành trang theo họ suốt cuộc đời. Việc giáo dục cho con em mình ý thức khi tham gia giao thông một cách cẩn thận và tỉ mỉ không chỉ liên quan tới tính mạng và tài sản của mình mà còn liên quan đến nhiều người khác.

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, chỉ cần một tế bào xấu có thể lây lan ra thành bệnh dịch. Chính vì thế, để một xã hội “khỏe”, văn minh thì cần sự vun đắp, nỗ lực từ mỗi gia đình, đặc biệt trong công tác đảm bảo ATGT là sự chung tay của cả cộng đồng.

Ngày Gia đình Việt Nam đã đến gần, là thời điểm mà các thành viên trở về quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Đây cũng là lúc mà những vui buồn, đúng sai được lắng nghe, chia sẻ… Sự bắt đầu chưa bao giờ là muộn, mỗi gia đình hãy bắt đầu ươm mầm từ những mái ấm của mình để không còn những “giá như…” đầy hối hận. ATGT là hạnh phúc của mọi nhà

Ý kiến của bạn

Bình luận