Airbus A380 - máy bay chở khách lớn nhất thế giới ế khách

Sản phẩm 12/07/2016 05:34

Từ khi ra mắt năm 2007, Airbus A380 mang lại cảm giác xa xỉ vốn biến mất từ lâu cho các chặng bay

 

afp-a380_zjjz_qaky

Chiếc A380 của hãng hàng không Emirates. AFP

Theo Bloomberg, cabin hạng nhất của Airbus A380 có vòi tắm hoa sen riêng và ghế bành bọc da. Các phòng khách trên tàu bay là nơi bartender trộn cocktail theo ý khách.

Dù có thiết kế “khủng”, “cơn bão” quan tâm dành cho A380 ban đầu từ các hãng hàng không trở thành nhỏ giọt sau đó, và Airbus hiện phụ thuộc nhiều vào một khách hàng khi nhắc đến doanh số: hãng bay Emirates. Không hãng hàng không Mỹ nào tậu một chiếc A380, và duy nhất hãng hàng không Nhật Bản thì mua chưa đầy một bàn tay số lượng mẫu này.

Airbus đã giao 193 chiếc A380, trong khi trước đó dự báo các hãng bay sẽ mua 1.200 loại tàu bay siêu lớn này trong hai thập kỷ. Hiện hãng có 126 chiếc đang trong danh sách đặt trước để hoàn thành trong khoảng 5 năm tới.

Tệ hơn thế, một số đơn hàng có vẻ không chắc chắn vì các hãng ngày càng ít mặn mà với tàu bay cỡ lớn. Khi Farnborough International Airshow sắp diễn ra vào ngày 11/7 ở Anh, vẫn có ít dấu hiệu cho thấy sẽ có hợp đồng mua bán A380 được công bố, dù đây là dịp các hãng hàng không công bố nhiều đơn hàng lớn.

Airbus thừa nhận thời gian của họ dành cho mẫu A380 đang hết. Tàu bay có giá niêm yết 433 triệu USD nhưng dường như luôn được giảm giá khi bán. Cuộc khủng hoảng tài chính đến giữa lúc sản xuất đi lên vào năm 2008, giá dầu tăng khiến các hãng hàng không ngần ngại mua loại máy bay khổng lồ bốn động cơ.

Năm ngoái, Airbus mới hòa vốn sản xuất và cho hay họ không bao giờ thu lại được 25 tỷ EUR, tương đương 32 tỷ USD, dành cho việc phát triển A380. Chuyên gia Zafar Khan của ngân hàng Société Générale cho hay mối lo ngại hiện thời là nếu sản xuất trượt sâu xuống dưới mức 30 chiếc mỗi năm, chương trình trên sẽ lỗ.

 Thẳng thắn đối mặt với vấn đề A380 là chuyện khó. Bên cạnh việc thừa nhận sự thất bại của chương trình, Airbus sẽ cần gạch tên nhiều nhà máy trên khắp châu Âu, sắp xếp lại hàng ngàn công nhân. Các hãng bay sẽ nhìn thấy giá bán lại sụt giảm của mẫu A380 họ từng mua, và sự thất bại của dòng máy bay sẽ khiến nhiều sân bay trên toàn thế giới hoài nghi về sự khôn ngoan trong việc xây dựng các cơ sở phù hợp với loại tàu bay này. Đơn cử, Dubai đã xây ga riêng dành cho A380.

Airbus cho hay 10 năm là thời gian quá ngắn để xác định số phận A380. Trong khi CEO Airbus Thomas Enders nói trong tháng 12/2015 rằng công ty xác định tương lai mẫu tàu bay trong “nguội lạnh”, giám đốc bán hàng Airbus John Leahy lại cam kết tiếp tục chương trình phát triển: “A380 sẽ ở đây. Chúng tôi đang duy trì, cải tiến và đầu tư vào nó”.

Máy bay bốn động cơ ngày càng khó bán vì lượng nhiên liệu tiêu thụ cao. Năm 2011, Airbus loại bỏ A340, một mẫu tàu bay bốn động cơ khác, khi các khách hàng ưu ái cho các tàu bay nhỏ hơn, có thân rộng tiết kiệm hơn như Airbus A330 hay Boeing 777.

Dù A380 được hành khách biết đến với nội thất rộng rãi và các chuyến bay êm, nhiều hãng hàng không khó lòng mua dòng này giữa thời đoạn kinh tế bất ổn. Malaysia Airlines học được bài này một cách khó khăn. Sau hai vụ tai nạn chết người, hãng không thể thu hút đủ số hành khách để lấp đầy nửa tá máy bay A380 đã tậu. Malaysia Airlines hiện cố gắng bán bớt tàu bay, nhưng không tìm được khách mua.

Hai năm qua, ba trong số các khách hàng đặt A380 đã phải giảm đơn hàng vì khó khăn tài chính hoặc thay đổi chiến lược. Cách đây ba năm, doanh nghiệp cho thuê tàu bay Amedeo công bố kế hoạch mua 20 chiếc A380, song lại chẳng thể tìm được hãng bay nào muốn thuê loại này và phải trì hoãn việc nhận hàng.

“Fan” lớn nhất của A380 đang là Emirates. Hãng có 81 chiếc A380 đang bay và thêm 61 chiếc giữ trước, chiếm tổng cộng 45% số tàu bay A380 Airbus đã giao hoặc có khách đặt.

Ai đang mua loại máy bay thân rộng, hai tầng lớn nhất thế giới? Hãng Emirates của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất mua 142 chiếc Airbus A380 tính đến tháng 5/2016.

A380 là dự án uy tín dành cho hãng Airbus và các chính phủ châu Âu đứng sau chương trình. Airbus đã và đang thành công với A320 một lối đi được ra mắt vào thập niên 1980, nhưng họ muốn có miếng bánh lớn hơn trong thị trường tầm xa sinh lợi. Với giới quản lý ấp ủ dự án cách đây hai thập kỷ, nhiệt huyết đã lắng xuống.

Richard Aboulafia, phó chủ tịch hãng tư vấn hàng không Teal Group, người từ lâu phê bình dòng máy bay này cho hay: “Có vẻ như không ai muốn loại máy bay này trừ hãng Emirates. A380 có thể chỉ sống đến năm 2020, nhưng thời điểm đó cũng gần như là lạc quan ngay lúc này”.

Ý kiến của bạn

Bình luận