Ai dung túng cho "xe vua" đại náo đường phố Thủ đô?

Tác giả: Cát Hải

saosaosaosaosao
Ý kiến 29/01/2018 08:23

Những chiếc xe tải, xe bê tông hiên ngang đi lại giữa dòng xe đông đúc trong khung giờ cấm khiến cho người tham gia giao thông bất an, lo lắng.


unnamed (14)
Thót tim với hình ảnh xe tải đi ngược chiều trên phố Nghiêm Xuân Yêm (Hoàng Mai, Hà Nội)

“Phớt lờ” lệnh cấm

Để giảm ùn tắc trên các tuyến đường nội đô, TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể cho từng tuyến phố, ở từng thời gian thích hợp. Theo đó, ngày 25/01/2013, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, tại Điều 5 của quyết định này quy định: Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn cấm hoạt động trong giờ cao điểm. Trong đó, giờ cao điểm là giờ được quy định sáng từ 6h00 đến 9h00, chiều từ 16h30 đến 19h30 hàng ngày. Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.

Lâu nay, các tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, (Hoàng Mai), Nguyễn Trãi, Hoàng Đạo Thuý, Lê Văn Lương (Thanh Xuân), trở thành điểm nóng về xe tải lộng hành trên phố cấm, chạy sai giờ.

CLIP: Xe tải đi ngược chiều "diễu" phố cấm tại đường Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Mai, Hà Nội

Các xe đi với tốc độ khá cao giữa dòng người đông đúc. Tiếng động cơ ầm ầm, “kêu gào”, “hằm hè” như muốn lao về phía trước nhanh hơn, đặc biệt tại các điểm giao cắt, một số xe còn bấm còi inh ỏi khiến nhiều người hoảng sợ.

Ngày 28/1, PV Tạp chí GTVT tận mắt chứng kiến hàng đoàn xe “hổ vồ”,  loại 4 chân cõng cả “núi” chất thải phục vụ thi công dự án KĐT mới Đại Kim, chạy ngược chiều trên đường Nghiêm Xuân Yêm với tốc độ cao, uy hiếp tính mạng người tham gia giao thông. 

Tuyến phố Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, đoạn qua địa bàn phường Kim Giang, Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là con đường khá hẹp, chỉ đủ 2 xe ô tô tránh nhau. Bên cạnh đó, nền đường còn tương đối yếu nhưng hàng ngày phải “cõng” hàng đoàn xe bê tông Việt Tiệp chạy qua khiến các tuyến đường nhanh chóng bị xuống cấp. 

unnamed (11)
Xe bê tông hoạt động mọi lúc, mọi nơi giữa chốn "thanh thiên bạch nhật"

Ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, trong quá trình hoạt động bất chấp thời gian, quy định, những chiếc xe bê tông Việt Tiệp đã khiến những đoạn đường qua khu dân cư thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Điển hình như đoạn qua khu vực cầu Khương Đình (đường Kim Giang).

Người dân khu vực ví von con đường này là “đường nhỏ cõng xe lớn”. 

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, các tuyến đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thuý cứ vào 10 giờ hàng ngày, dù lượng phương tiện tham gia giao thông vẫn khá dày, song các loại xe chở bê tông gắn “lo go” Sông Đà - Việt Đức nhộn nhịp hoạt động. 

Điểm đến của những chiếc xe bê tông này là công trình hỗn hợp dịch vụ văn phòng và nhà ở, nằm toạ lạc tại vị trí đắc địa gần ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thuý. Được biết, dự án này thuộc chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ và Kinh doanh BĐS Hà Nội và nhà thầu là Công ty CP tập đoàn xây dựng Hoà Bình.  

Máu và nước mắt đã đổ

Chính vì sự lộng hành đó, chỉ riêng trong năm 2017, trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã xảy ra 02 vụ tai nạn thương tâm mà thủ phạm là “hung thần” xe tải. Vụ va chạm thứ nhất giữa xe bồn mang nhãn bê tông 36 với hai học sinh tiểu học đi xe đạp điện trước cổng UBND xã Tân Triều, hậu quả khiến 01 học sinh tử vong ngay tại chỗ.

Cái giá phải trả cho những vụ TNGT luôn là máu, nước mắt và nỗi đau của cả người trong cuộc lẫn cộng đồng xã hội. Nữ sinh Đỗ Phong Thủy ra đi phải bỏ lại bao ước mơ khi tuổi đời còn quá trẻ. Ngay khi biết tin con gái mất, mẹ Thủy ngất lên ngất xuống trên đường xuống Hà Nội đưa Thủy về với quê an táng. Được biết chiếc xe bồn gây tai nạn là của Công ty CP Đầu tư Xây dựng phát triển Việt Tiệp, đây không chỉ là hiện tượng và cũng không phải là cái chết thương tâm đầu tiên do việc bất chấp các quy định của pháp luật gây ra. 

unnamed (15)
Trước đó, vào tháng 2/2017, tại đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân), xe bê tông Việt Tiệp chạy sai giờ, tông chết một nữ sinh lớp 12

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng “xe vua” chạy trong giờ cấm, đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tạo môi trường giao thông thân thiện, an toàn, mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu TP. Hà Nội tiếp tục các giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.

Theo đó, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT TP. Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn xảy giữa xe trộn bê tông và xe đạp điện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm dẫn đến vụ TNGT trên; kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin vi phạm pháp luật TTATGT của phương tiện cũng như dấu hiệu buông lỏng trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ đối với các phương tiện.

Trách nhiệm để xe tải không phép đi vào phố cấm là CSGT và TTGT, nếu để xe tải đi vào phố cấm không phép mà gây tai nạn nghiêm trọng thì ngoài truy tố lái xe, chủ xe thì phải xem xét cả trách nhiệm CSGT, TTGT quản lý địa bàn.

unnamed (10)
Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ bộ vào một dự án xây dựng nằm trên đường Lê Văn Lương

Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe tải chạy từ công trường ra hoặc chạy trên đường để rơi phế thải, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường thì CSGT, TTGT phải chịu trách nhiệm.

Trước đó, tại Hội nghị về công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - PV) từng chỉ đạo Hà Nội nghiêm túc làm rõ, xử lý nghiêm tình trạng xe vua” vì đi vào phố cấm, giờ cấm, nhưng đến nay việc xử lý vẫn như là “bắt cóc bỏ đĩa”

Mặc dù quy định đã có, biển cấm đã được lắp đặt rõ ràng tại các ngã tư, nhưng nhiều lái xe vẫn phớt lờ lệnh cấm. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng có sự “bảo kê” từ các lực lượng chức năng? Và các xe bê tông Việt Tiệp, Sông Đà – Việt Đức phải chăng là  “xe vua”?

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.  

Ý kiến của bạn

Bình luận