ACV:Vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển hạ tầng cảng hàng không

Tác giả: MN

saosaosaosaosao
Doanh nhân 05/10/2019 07:41

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa được vinh danh trong “Top 50 Nhãn hiệu nổi tiếng nhất” tại Lễ trao chứng nhận Nhãn hiệu nổi tiếng, Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam năm 2019 do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức. Là doanh nghiệp chủ đạo, nòng cốt trong việc đầu tư phát triển, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không của Việt Nam, ACV luôn là “ngọn cờ đầu” trong mọi hoạt động của hệ thống cảng, góp phần hội nhập sâu rộng bầu trời hàng không Việt Nam.

 

Dù thêm nhiều chỗ đậu, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vẫn
Dù thêm nhiều vị trí đỗ, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn quá tải, cần được mở rộng

Doanh nghiệp đặc biệt này hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. ACV chịu trách nhiệm đầu tư, khai thác, đảm bảo an ninh an toàn và cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không tại các cảng hàng không Việt Nam. 

Tổng công suất thiết kế toàn mạng cảng hàng không trực thuộc ACV năm 2012 chỉ đạt 50,1 triệu khách/năm nhưng đến năm 2018 đã đạt 96,05 triệu khách/năm. Như vậy chỉ trong 6 năm qua, tổng công suất thiết kế toàn mạng cảng đã tăng gần gấp đôi (92%). Trong đó, Tân Sơn Nhất tăng từ 18 triệu khách/năm (năm 2012) lên 28 triệu khách/năm (năm 2018), tương ứng Nội Bài từ 6 triệu lên 25 triệu khách/năm, Đà Nẵng từ 6 triệu lên 10 triệu khách/năm, Cam Ranh từ 2,5 triệu lên 6,5 triệu khách/năm.

Hạ tầng hàng không - Vai trò chủ đạo của ACV  

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2016 - 2021, mức tăng trưởng kép khách du lịch theo đường hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, đạt 17,4%, gần gấp ba mức trung bình 6,1% của khu vực ASEAN. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ năm thế giới. Ngành Hàng không nội địa được hỗ trợ bởi yếu tố thuận lợi khi cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy còn bị hạn chế, thời gian di chuyển bằng đường hàng không ưu việt hơn nhiều loại hình giao thông khác. Ngoài ra, với tốc độ phát triển kinh tế 6 - 7%, tầng lớp có thu nhập trung bình gia tăng khá, hàng không trở thành phương tiện di chuyển được lựa chọn hàng đầu ở các chặng đường dài và trung bình.

 “Thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã và tiếp tục là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất to lớn đối với ngành Hàng không Việt Nam nói chung và ACV nói riêng”, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu, kể từ ngày thành lập ACV đã đầu tư nâng công suất các cảng hàng không thêm 55 triệu khách, gấp 1,375 lần so với công suất 40 triệu hành khách của cả ngành Hàng không Việt Nam đầu tư xây dựng trong suốt giai đoạn 1975 - 2012. Bên cạnh việc rót hàng chục nghìn tỷ đồng với các công trình quan trọng như: Nhà ga T2 Nội Bài, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi, Vinh, Tuy Hòa, Phù Cát, Chu Lai, Pleiku... cùng tiến hành nhiều biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, cải tiến chất lượng dịch vụ như nâng cấp phòng chờ, cung cấp dịch vụ ca-bin ngủ, khu vui chơi trẻ em... làm cho các cảng nói chung được cải thiện thứ hạng.

Sự quá tải về hạ tầng hàng không và tốc độ tăng trưởng “nóng” của Ngành đã thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào đầu tư sân bay. Một trong các dự án BOT hạ tầng đáng chú ý nhất thời gian qua là Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sun Group xây dựng. Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 02 tỷ USD, có thể đón các loại máy bay hiện đại trên thế giới như A320, A321, giai đoạn một của dự án đã khánh thành đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018. Trước đó, các nhà đầu tư gồm ACV, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), Nasco, VietJet… đã rót 3.700 tỷ đồng xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Cam Ranh, khánh thành giữa năm 2018. 

Do việc quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga T3 đã được lên kế hoạch xây dựng. ACV đang chờ quyết định phê duyệt cuối cùng để có thể khởi công dự án có quy mô 20 triệu hành khách. Tuy nhiên, dự án được kỳ vọng thay đổi diện mạo hạ tầng hàng không Việt Nam là Cảng HKQT Long Thành. Long Thành có mục tiêu xây dựng một cảng hàng không trung chuyển quốc tế lớn có khả năng cạnh tranh trong khu vực tương tự như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia). 

Có cả cơ hội và thách thức, nhà quản lý cảng hàng không duy nhất tại Việt Nam khẳng định tiếp tục đảm bảo an toàn tuyệt đối an ninh hàng không, từng bước hiện đại hóa nâng cao chất lượng dịch vụ. “ACV giữ vững vai trò chủ đạo, nòng cốt trong việc đầu tư, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo sự phát triển bền vững của ACV”, ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

Ngọn cờ tiên phong

Hien dai hoa CHK

Trong năm 2019, ACV tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đẩy nhanh các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm như: Xây dựng mới Nhà ga hành khách T3 tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, xây dựng Nhà ga hành khách T2 tại các cảng HKQT Cát Bi, Vinh, Phú Bài; triển khai đầu tư các dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các cảng hàng không có tần suất khai thác cao như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Cát Bi, Vinh, Phú Bài.

Bên cạnh đó, ACV đã tích cực phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 Dự án Cảng HKQT Long Thành trước 01 tháng so với tiến độ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2019. Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là một trong những dự án quan trọng cấp quốc gia được quy hoạch đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực, với quy mô, công suất sau khi hoàn thành toàn bộ 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trước mắt, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh, 01 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa Cảng HKQT Long Thành vào khai thác

ACV hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng cao, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, lắng nghe ý kiến phản hồi để liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ. Cùng với đội ngũ nhân lực được đào tạo kỹ lưỡng, ACV chăm sóc khách hàng với phong cách tận tâm, chuyên nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận