8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT năm 2023

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Xã hội 09/02/2023 14:53

Sáng nay (9/2), phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2023.

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT năm 2023 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI; tiếp tục kiện toàn bộ máy, hoàn thiện quy chế hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như các cơ quan thành viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, quan tâm tạo dựng hành lang pháp lý cần thiết để áp dụng kịp thời các thành tựu công nghệ mới vào bảo đảm TTATGT, trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, như quy định về thống kê TNGT theo thông lệ quốc tế; quy định xếp hàng lên xe ô tô tải; quy định về cấp và quản lý giấy phép vận chuyển hàng hoá quá khổ, quá tải; siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm phương tiện, thiết bị nói chung, nhất là phương tiện cơ giới đường bộ.

Đồng thời đơn giản hoá, xoá bỏ những yêu cầu, thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT.

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT năm 2023 - Ảnh 2.

Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia

Ba là, bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm ATGT và bảo vệ môi trường khi thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

"Tôi đề nghị các chủ đầu tư dự án công trình giao thông cần chủ động thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới phục vụ thi công công tại dự án, không để tình trạng làm mới tuyến đường này lại gây hư hỏng và mất ATGT cho các tuyến dường đường khác. Đồng thời khẩn trương đầu tư và kịp thời đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ dọc theo các tuyến dường đường bộ cao tốc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và yêu cầu, các cục chuyên ngành của Bộ GTVT, các Sở GTVT chủ động phối hợp với lực lượng CSGT, các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT theo quy định; có phương án tổ chức giao thông an toàn, kịp thời điều tiết, phân luồng khắc phục ùn tắc giao thông, không để xảy ra mất an toàn tại hiện trường khi xảy ra các sự cố trên tuyến.

Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

"Tôi đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động có phương án về tổ chức, nhân sự, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để sớm phục hồi hoạt động cho các Trạm Đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, đáp ứng nhu cầu kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện của nhân dân", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Năm là, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ, đặc biệt quan tâm đầu tư các công trình kết nối đa phương thức vận tải (cảng cạn, kho, bãi, đường ra vào ga, cảng, bến thuỷ nội địa; khuyến khích phát triển triển các nên nền tảng kỹ thuật số để kinh doanh vận tải đa phương thức, cả hành khách và hàng hoá; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với xây dựng hạ tầng và tổ chức giao thông thuận lợi cho người đi bộ và xe đạp.

Sáu là, kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.

"Về nội dung này, Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm TTATGT bám sát chủ đề Năm ATGT 2023 là "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn"; các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trật tự, an toàn giao thông, linh hoạt trong phương thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên hạ tầng số", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT năm 2023 - Ảnh 3.

Các lực lượng chức năng tại Lễ ra quân Năm ATGT 2023 vào sáng nay (9/2)

Bảy là, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT; tiếp tục duy trì các chương trình phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT; siết chặt công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT.

Trong đó có xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TTATGT, kết nối sử dụng chung giữa ngành Công an, GTVT, Y tế, Bảo hiểm, Tài chính và Tư pháp. Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, chia sẻ giữa Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố cũng như với lực lượng CSGT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT đối với kinh doanh vận tải.

Cuối cùng là nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

"Tôi đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với ngành GTVT thí điểm mô hình trạm cấp cứu y tế gắn với trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc và các tuyến quốc lộ trọng điểm, làm cơ sở để mở rộng trên toàn mạng lưới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT năm 2023 - Ảnh 4.

Năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”

Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác đảm bảo TTATGT nêu cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và của cá nhân, để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn những giải pháp đã nêu trong Kế hoạch năm ATGT 2023. Đặc biệt là chú trọng trách nhiệm nêu gương "Thượng tôn pháp luật" của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước về TTATGT.

Ý kiến của bạn

Bình luận