7 dự án giao thông dùng vốn ODA đang thi công thế nào?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 10/02/2023 15:46

Trong số 7 dự án giao thông sử dụng vốn ODA, chỉ có 1 dự án đang cơ bản đáp ứng tiến độ.

Toàn cảnh cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ

Toàn cảnh cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ

Thống kê mới nhất của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD) cho biết, dự án WB6 - Kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến đầu tháng 2/2023 đạt sản lượng khoảng 67%, chậm khoảng 13% so với kế hoạch.

Lãnh đạo Bộ GTVT, Cục QLĐTXD đã kiểm tra hiện trường và có nhiều văn bản yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy (đại diện chủ đầu tư), tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí thời gian, ca kíp phù hợp và tăng mũi thi công để bù lại tiến độ chậm, có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung, thay thế nhà thầu thi công nếu không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch, tiến độ hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2023.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (WB6). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, gồm vốn vay ODA của WB là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD. Dự án xây kênh dài khoảng 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ; âu tàu; cầu vượt và đường dẫn cầu; đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện, thông tin liên lạc,…

Dự án khởi công vào tháng 11/2020 với tiến độ dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sụt trượt đất và chậm trễ di dời, hoàn trả công trình đường ống nước ngầm cấp nước sạch ngang lòng kênh… dẫn đến chậm tiến độ. Sau khi Thủ tướng có quyết định đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành dự án WB6, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 30/6/2023.
Phương tiện thi công dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

Phương tiện thi công dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đến đầu tháng 2/2023 đã triển khai thi công 8/11 gói thầu, sản lượng đạt 11,44% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ. Hiện còn lại 3 gói thầu đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công toàn bộ trong tháng 2 và 3/2023.

"Công tác lựa chọn nhà thầu, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhiều lần có ý kiến yêu cầu làm rõ một số nội dung hồ sơ dự thầu, dẫn đến kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu", Cục QLĐTXD thông tin và cho biết thêm, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA 2 (chủ đầu tư) đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong việc triển khai dự án.

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc khởi công từ tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư hơn 5.370 tỷ đồng, tương đương 236,673 triệu USD, gồm: 188,363 triệu USD vốn vay ADB; 4,481 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và 43,829 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án gồm 2 tuyến kết nối, gồm tuyến thứ nhất kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi. Khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về Thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Thi công cầu Bến Mới (gói thầu XL-04) thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1)

Thi công cầu Bến Mới (gói thầu XL-04) thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn 1)

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ đến đầu tháng 2/2023, GPMB đã cơ bản hoàn thành 2/4 gói thầu (Gói thầu XL-01 và XL-02).

Cục QLĐTXD cho biết, đối với cầu Bến Mới-XL04 (phía Ninh Bình), công tác GPMB rất chậm; đối với cầu Đa Phúc-XL03 chưa có mặt bằng thi công do TP. Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên triển khai chậm.

"Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi các địa phương, tuy nhiên tiến độ bàn giao mặt bằng không có nhiều chuyển biến, tiến độ triển khai dự án chậm kéo dài. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA (đại diện chủ đầu tư) 2 phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm công tác GPMB, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án", Cục QLĐTXD thông tin.

Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn I) sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc với có tổng mức đầu tư 1.498,336 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ưu đãi từ EDCF là 1.145,52 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 352,816 tỷ đồng.

Giai đoạn I của dự án sẽ tiến hành cải tạo theo hình thức xây mới 6 cây cầu, khởi công trong năm 2022 gồm: cầu Bến Mới (Quốc lộ 38B, Nam Định, cầu Đoan Hùng (Quốc lộ 2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (Quốc lộ 1C, Nha Trang), cầu Đa Phúc (Quốc lộ 3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (Quốc lộ 40B, Quảng Nam).
Thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp QL19)

Thi công dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp QL19)

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp QL19) đến đầu tháng 2/2023 đã cơ bản bàn giao xong mặt bằng, sản lượng đạt 35%, chậm 1,6% so với kế hoạch, chưa đáp ứng theo tiến độ yêu cầu.

"Ban QLDA 2 (chủ đầu tư) đang kiến nghị gia hạn hiệp định thêm 23 tháng và điều chỉnh tiến độ dự án. Do thời hạn hiệp định tín dụng đến tháng 6/2023 còn rất ngắn nên một số gói thầu có thể không hoàn thành so với kế hoạch", Cục QLĐTXD thông tin.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 2 chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu để thi công đáp ứng tiến độ đã được chấp thuận.

Cũng theo Cục QLĐTXD, hiện nay, Ban QLDA 2 đang phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT thực hiện công tác gia hạn hiệp định tín dụng đảm bảo mục tiêu của dự án.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (126km) và Bình Định (17km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD, khoảng hơn 3.600 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Dự án tổ chức thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Thi công gói thầu CW4C dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên

Thi công gói thầu CW4C dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên

Dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đến đầu tháng 2/2023, mặt bằng đã hoàn thành, sản lượng đạt 47,24% so với hợp đồng.

"Hạng mục xử lý nền đất yếu (đường găng của dự án) đang bị chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án", Cục QLĐTXD thông tin.

Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) có văn bản cảnh cáo các nhà thầu chậm tiến độ kéo dài (gói CW4C).

Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công xử lý nền đất yếu, đẩy nhanh việc huy động cát đắp về công trường, bám sát kế hoạch đã chấp thuận.

Dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên khởi công vào tháng 1/2022 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia (DFAT); Vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án có chiều dài 15,3km đi qua địa bàn TP. Cần Thơ và TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Khởi công vào tháng 1/2022 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023.
Một đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành

Một đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đầu tháng 2/2023 có 1/10 gói thầu (A5) cơ bản hoàn thành, 1 gói thầu (A7) đang thi công, sản lượng 66,96% chậm khoảng 10,31%, 3 gói thầu (A2-1, A2-2, A3) đang chuẩn bị các thủ tục để tiếp tục triển khai thi công, 4 gói thầu đang xử lý các thủ tục chấm dứt hợp đồng (gói thầu A1, A4, J3, A6) dự kiến trong tháng 02/2023.

"Sản lượng cả dự án ước đạt 80,04%, không có chuyển biến", Cục QLĐTXD thông tin.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan liên quan đang triển khai một số nội dung để giải quyết các vướng mắc của dự án, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan để thực hiện thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ GTVT hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 2/2023.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Dự án dài khoảng 57,8km đi qua TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Long An. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), khởi công từ tháng 7/2014, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2019 nhưng do khó khăn về nguồn vốn và mặt bằng thi công nên tiếp tục giãn tiến độ hoàn thành sang năm 2023.
Công nhân Cung đường Khe Nét  duy tu đường sắt khu vực đèo

Công nhân Cung đường Khe Nét duy tu đường sắt khu vực đèo

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt TP. Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đến đầu tháng 2/2023, Cục QLĐTXD đang thẩm định thiết kế kỹ thuật 1/2 gói thầu, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/2/2023. Cùng với đó, 1 gói thầu còn lại tiến độ triển khai bị chậm do phải giải quyết các thủ tục liên quan đến nhà tài trợ, dự kiến trình thẩm định trong tháng 3/2023.

"Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt giải quyết dứt điểm các thủ tục liên quan đến nhà tài trợ để trình thẩm định gói thầu còn lại, đáp ứng tiến độ yêu cầu", Cục QLĐTXD thông tin.

Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ nâng cấp cải tạo 2.422m đường sắt; cải dịch tuyến mới 4.369m đường sắt; cải tạo, đặt thêm đường số 3 tại ga Đồng Chuối; cải tạo 2 cầu (với tổng chiều dài 117,61m); xây dựng mới 3 cầu (với tổng chiều dài 960,2m); xây dựng mới 2 hầm với tổng chiều dài 1.390m),… cùng hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ khác.

Tổng mức đầu tư Dự án là 2.010,7 tỷ đồng, dự kiến sử dụng vốn vay ODA từ quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, trong đó vốn vay ODA là 1.764,4 tỷ đồng; vốn đối ứng là 246,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 đến năm 2025. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 375 ngày 13/3/2020, Bộ Tài chính đã ký với Kexim Hiệp định vay trị giá 90 tỷ KRW (tương đương 75,78 triệu USD) cho dự án ngày 31/3/2020.