4 tỉnh, thành được Quốc hội xem xét cơ chế phát triển đặc thù

Chính trị 22/10/2021 13:22

Hôm nay 22/10, Quốc Hội họp toàn thể nghe dự thảo các nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên- Huế

 

Bo truong Bo Tai chinh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự luật được xây dựng nhằm mục tiêu hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bố cục của dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật cho hợp lý hơn.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên.

Tuy nhiên, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương

Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

BT KHDT 3
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Thứ nhất, phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi.

Thứ hai, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

Thứ ba, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Thứ tư, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Thứ năm, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự thảo các Nghị quyết và hồ sơ liên quan đã được chuẩn bị theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.

Thẩm tra về dự thảo các Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường khẳng định, Ủy ban nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này.

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là đúng thẩm quyền.

Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 1/1/2022 và có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này chỉ đến hết năm 2025 để bảo đảm phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào các hội dung lớn của các dự thảo Nghị quyết liên quan đến: Chính sách dư nợ vay; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; công tác quản lý đất đai; quản lý quy hoạch;...

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về nội dung này./.

Ý kiến của bạn

Bình luận