4 đặc điểm đã tuyệt chủng khỏi máy bay dân dụng

Ứng dụng 03/03/2017 14:45

Mũi nhọn và phần lưng gù là những yếu tố không còn xuất hiện trên máy bay chở khách trong thế kỷ 21.

 

xXR4w7v


Hầu hết các loại phi cơ chở khách hiện nay đều có vẻ ngoài giống nhau, bao gồm hai động cơ dưới cánh, thân dạng ống trụ thẳng và đuôi kiểu truyền thống. Mũi nhọn, lưng gù và động cơ gắn trên cánh đuôi đứng là các đặc điểm đã biến mất khỏi máy bay dân dụng, theo Popular Mechanic.

Mũi nhọn

Đây là đặc điểm thường xuất hiện trên những dòng máy bay siêu thanh như Concorde. Khi bay ở tốc độ vượt âm, không khí trước mũi máy bay sẽ bị nén mạnh và tạo ra lực cản lớn, buộc máy bay phải có phần mũi nhọn để đâm xuyên qua lớp không khí dày đặc này. Phi cơ thông thường có mũi tròn vì chúng chỉ bay ở tốc độ dưới âm, không gây ra hiện tượng nén không khí.

Vấn đề lớn nhất với Concorde là nó tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, khiến chi phí chuyến bay trở nên cao quá mức. Vào thời điểm năm 2003, một vé khứ hồi xuyên Đại Tây Dương trên Concorde có giá tới 12.000 USD. Bên cạnh đó, độ ồn cao từ máy bay siêu thanh khiến chúng chỉ được vận hành các chặng bay trên biển, hạn chế số lượng điểm xuất phát và điểm đến.

Tất cả những điều này khiến rất ít hành khách chọn máy bay siêu thanh. Kết quả là những máy bay như Concorde đều bị loại biên, kèm với đó là phần mũi nhọn đặc trưng của chúng.

Lưng gù

Điểm đặc trưng của chiếc Boeing 747 chính là phần lưng gù phía sau buồng lái. Mục đích của nó là cho phép kỹ sư thiết kế cửa bốc dỡ hàng ở phía trước máy bay với khả năng mở hướng lên trên. Điều đó  cho phép Boeing 747 tiếp dỡ các kiện hàng kích thước lớn từ phần mũi, thay vì bị giới hạn bởi cửa ngang thân.

Tuy nhiên, tính năng này không được tận dụng. Chiếc 747 trở thành một trong những mẫu máy bay chở khách phổ biến nhất, thay vì là phi cơ vận tải chủ lực như các kỹ sư của Boeing mong đợi. Với việc hãng này cắt giảm dây chuyền sản xuất Boeing 747, phần lưng gù đặc trưng sẽ dần biến mất khỏi các sân bay.

Máy bay 3 động cơ

Trong thập niên 1970 và 1980, những chiếc máy bay thân rộng 3 động cơ như DC-10 và L-1011 trở nên rất phổ biến. Ưu điểm của thiết kế này là lực đẩy lớn, cũng như độ an toàn cao khi xảy ra sự cố với một động cơ. Nhưng trong những năm vừa qua, công nghệ động cơ đã phát triển rất nhiều, cho phép chế tạo các loại động cơ mạnh với độ tin cậy cao.

Hầu hết máy bay hai động cơ ngày nay đều đạt chứng chỉ ETOPS (hoạt động kéo dài), cho phép chúng vận hành an toàn trong nhiều giờ liền nếu một động cơ bị hỏng. Việc sử dụng hai động cơ cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu, mang lại lợi ích về kinh tế cho các hãng hàng không.Vì vậy, những mẫu máy bay 3 động cơ trở nên không còn cần thiết như trước và sẽ dần bị thay thế.

Đuôi hình chữ T

MD-80 là máy bay chở khách thân hẹp cực kỳ nổi tiếng trong thập niên 1990 với hơn 1.000 chiếc được chế tạo. Đặc điểm nổi bật của MD-80 chính là phần đuôi chữ T, với cánh đuôi ngang nằm trên đỉnh cánh đuôi đứng, thay vì đuôi máy bay như sản phẩm của Boeing và Airbus.

Ưu điểm của thiết kế này là giải phóng không gian phần đuôi, cho phép nhà thiết kế gắn động cơ ở khu vực này. Tuy nhiên, sau này các kỹ sư đã kết luận giải pháp hiệu quả hơn là đặt động cơ dưới cánh, cho phép chúng ở gần trọng tâm máy bay, cũng như rút ngắn quãng di chuyển của nhiên liệu.

Ngày nay, đuôi chữ T chỉ xuất hiện trên những máy bay cỡ nhỏ như Bombardier CRJ 100, do chúng không đủ khoảng trống để gắn động cơ dưới cánh.

Ý kiến của bạn

Bình luận