3 lý do đường sắt Việt Nam muốn nhận toa tàu cũ Nhật Bản tặng

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Khoa học - Công nghệ 19/10/2021 13:37

Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép nhập khẩu 37 toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng 40 năm của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East). Nếu được phép, VNR sẽ nhập về cải tạo và đưa vào khai thác chở khách trên hệ thống đường sắt Việt Nam.

tau2_0

Chỉ mất 140 tỷ để vận chuyển, hoán cải

Trả lời về lý do đề xuất phương án này, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, mối quan hệ của ngành đường sắt Nhật Bản và Việt Nam rất tốt, phía đường sắt Nhật Bản biết điều kiện đường sắt của Việt Nam phù hợp với loại tàu này nên quyết định chuyển giao miễn phí (khổ đường sắt nước ta là 1 m, trong khi Nhật Bản là 1,067 m, chênh nhau 0,067m). VNR chỉ phải chịu chi phí vận chuyển, cải tạo để đưa vào sử dụng.

Có 3 lý do để VNR đưa ra đề xuất này. Thứ nhất, chi phí ban đầu tiết kiệm. Việc hoán cải tàu cũ của Nhật Bản rất đơn giản, chỉ cần ép trục bánh lại mỗi bên 3 phân hoặc là thay trục ở giữa. Chi phí hoán cải chỉ tốn khoảng 80 tỷ; chi phí vận chuyển tốn khoảng 40 tỷ; những chi phí duy tu bảo dưỡng khác không nhiều. Do đó, tổng chi phí cho dự án này tối đa chỉ 140 tỷ đồng, tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc nhập mới. Nếu nhập mới thì giá thành sẽ rất đắt, hơn 30 tỷ/ toa và hơn 1.100 tỷ đồng/ 37 toa. Với điều kiện khó khăn hiện tại, Đường sắt Việt Nam không đủ sức làm được. Để có 140 tỷ thực hiện dự án nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ vay vốn ngân hàng thương mại, với thời gian hoàn vốn là hơn 24 tháng của các ngân hàng VietinBank, AgriBank, BIDV, lãi suất 7%.

Lý do thứ hai là hiệu quả lớn. Theo tính toán, sau khi cải tạo, các toa tàu này có thể khai thác trên 15 năm nữa. Tàu của Việt Nam hiện nay là vận hành tập trung, một đầu máy kéo 13-15 toa, phù hợp với lưu lượng hành khách đông. Tuy nhiên, khi lưu lượng hành khách ít, việc vẫn phải lấy đầu máy lớn ra kéo khiến chi phí nhiên liệu lớn, giảm năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, toa xe của Nhật Bản là loại tự hành, đầu máy nằm ngay trong toa xe nên kể cả khách chỉ kín một toa cũng có thể tự chạy. Loại toa tàu này rất phù hợp với quãng đường ngắn dưới 300km, như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội - Thanh Hóa… Qua đó, giảm chi phí khai thác, tăng tần suất và độ linh hoạt khi khai thác.

Lý do thứ 3, việc nhập toa xe cũ của Nhật Bản là một hình thức thí điểm để ngành Đường sắt Việt Nam có thể học hỏi, nghiên cứu cách đóng mới, hoặc nhập một phần và lắp ráp trong nước các toa tàu tự hành như vậy; từ đó góp phần giúp cơ khí công nghiệp của đường sắt tiến lên một bước mới, bởi hiện tại nước ta chưa đóng được toa xe tự hành.

Nhiều nước đã nhận toa xe cũ của Nhật Bản 

Cũng theo ông Vũ Anh Minh, tuy 37 toa xe của Nhật Bản đã vận hành được 40 năm nhưng Nhật Bản không quy định về niên hạn sử dụng. Số liệu tham khảo giai đoạn 2018-2019 cho thấy,  tỷ lệ sự cố trên 1.000.000 km đường sắt Nhật Bản là 1,77. Nghĩa là 1 triệu km có 1,77 lần sự cố. Giai đoạn 2019-2020 là 2,01 sự cố/ 1 triệu km. Giai đoạn 04/2020 - 03/2021 thì hệ số là 1,24 lần sự cố/ 1 triệu km. Đây là mức tỷ lệ sự cố rất thấp. Tính toán trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng thì 15 năm cũng chưa chạy hết 1 triệu km.

Giải đáp những lo lắng của dư luận về nguy cơ nhận rác thải công nghiệp, ông Vũ Anh Minh cho hay, các toa tàu này vẫn đang chạy chứ không phải “hàng đắp chiếu” đã dừng khai thác. Mặt khác, so với ô tô, tàu biển thì tàu hỏa xuất có lượng rác thải thấp nhất. Cấu tạo chính của các toa tàu là thép. Sau 15 năm sử dụng, nếu thanh lý 37 toa tàu này thì vẫn tái chế được; trong khi Việt Nam phải nhập khẩu gang, thép.

Suốt gần 1 năm qua, VNR đã cân nhắc rất kỹ lưỡng mới đi đến đề xuất này nên ông Vũ Anh Minh mong xúc tiến nhanh việc này vì nếu chậm thì đường sắt Nhật Bản sẽ tặng hoặc bán cho các quốc gia khác. Đã có rất nhiều quốc gia nhập toa tàu cũ của Nhật Bản, đơn cử như như Nga đã nhận tàu cũ của Nhật Bản từ năm 1993; Myanmar đã nhận 3 lần vào các năm 2007, 2019 và đặc biệt năm 2020 thì nhận tới 135 toa tàu; Philippines nhận năm 2011.

Chủ trương của ngành đường sắt Việt Nam vẫn là tự cơ khí hóa nên việc nhập 37 toa tàu cũ với công nghệ chưa có ở nước ta như thế này là cơ hội để ngành đường sắt Việt Nam học hỏi, tập dượt, tiếp cận và làm chủ công nghệ.  Vì vậy, theo ông Vũ Anh Minh, trong khi vẫn giữ hạ tầng cũ, việc nhập 37 toa tàu này là phương án rất hiệu quả.

37 toa tàu cũ của Nhật Bản được sản xuất từ năm 1979-1982, có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí, thiết kế 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95 km/h.

Các toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tùy theo nhu cầu sử dụng. Sau khoảng 40 năm vận hành, cả 2 loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất kể vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. Những năm gần đây, do thay đổi công nghệ đường sắt, phía Nhật Bản đã chuyển giao hàng trăm toa tàu tương tự đã qua sử dụng cho một số nước để khai thác phục vụ vận tải hành khách.

Ý kiến của bạn

Bình luận