28.898 xe quá khổ, quá tải bị xử lý trong năm 2017

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 09/01/2018 07:34

Trong năm 2017, với sự nỗ lực của toàn ngành đường bộ, lượng xe quá khổ, quá tải cơ bản đã giảm.


32B4576A-A162-4391-BDDA-8E15118F700B.
Công tác tuần tra, kiểm soát tải trọng xe được triển khai trên toàn quốc (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành đường bộ đã tạo sự đồng thuận cao của xã hội, sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, các chủ phương tiện và lái xe. Số lượng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải cơ bản đã giảm còn khoảng 10%.

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng chức năng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, các lực lượng Cảnh sát khác, Kiểm soát quân sự trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông, Thanh tra các Cục QLĐB đã khắc phục khó khăn về điều kiện làm việc, biên chế, kinh phí, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

Theo đó, các Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 277.717 xe, trong đó có 28.898 xe vi phạm, tước 9.710 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 269,1 tỷ đồng.

Lực lượng Công chức Thanh tra các Cục QLĐB đã tiến hành kiểm tra 739 xe, trong đó có 721 xe vi phạm, tước 523 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 24,37 tỷ đồng.  Tuy nhiên, kết quả nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.

Qua theo dõi kết quả, báo cáo của các Cục QLĐB và phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, một số địa phương đã duy trì công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, kiềm chế tái diễn tình trạng xe quá tải và xe vi phạm kích thước thùng hàng như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Để đạt được kết quả này, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các Cục QLĐB, các Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành của địa phương tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, cảng, bến thủy nội địa..., chỉ đạo các Sở GTVT kiện toàn và duy trì hoạt động của các Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động, cố định.

Tổng cục ĐBVN đã kiểm tra, hướng dẫn công tác cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tại các Cục QLĐB và một số Sở GTVT, chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cảng, bến thủy nội địa kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe, tình trạng sang tải, dồn tải xung quanh các cảng; và phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc trao đổi thông tin, xử lý các phương tiện có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, cơi nới, thay đổi kết cấu để chở hàng quá tải. Đồng thời, Tổng cục còn chỉ đạo các Sở GTVT, các Cục QLĐB rà soát, bổ sung, thay thế đầy đủ, đúng quy định các biển báo tải trọng cầu, đường để người điều khiển phương tiện biết, thực hiện, làm căn cứ xử lý vi phạm về tải trọng.

Ngoài ra, Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN trực tiếp đi kiểm tra đột xuất và chỉ đạo xử lý tại các khu vực, các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông.

  

Ý kiến của bạn

Bình luận