1,3 triệu ôtô Việt Nam 'cất' đăng ký xe ở ngân hàng

Xã hội 21/07/2017 14:48

Bộ Tư pháp cho rằng nếu cảnh sát xử phạt chủ xe thế chấp giấy tờ ở ngân hàng sẽ tác động xấu đến hoạt động kinh tế.

photo-1-1486336133292
Ảnh minh họa

Ngày 20/7, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết đã có báo cáo gửi Chính phủ để có phương án giải quyết "thế kẹt" bị cảnh sát giao thông xử phạt của người vay tiền ngân hàng mua ôtô có thế chấp bản gốc giấy đăng ký xe.

"Khoảng 1,3 triệu ôtô đang thế chấp tại ngân hàng bằng hình thức này", Cục trưởng Đặng Thanh Sơn nói và cho biết Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho các chủ xe. Phía Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng kiến nghị mong việc này được giải quyết thấu đáo nhằm đảm bảo hoạt động tài chính của họ.

Nỗi lo của các chủ xe trả góp có thế chấp bản chính đăng ký xe dấy lên vào đầu tháng 7 khi Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm quy định xử phạt người điều khiển giao thông không mang theo giấy tờ xe. 

Cục Cảnh sát giao thông lý giải do Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các ngân hàng sau khi làm hợp đồng vay, thế chấp tài sản phải giao lại bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông cho chủ xe, căn cứ Nghị định 163/2006 (được sửa đổi bởi Nghị định 11/2012). Cục Cảnh sát giao thông cho biết phần lớn do người dân chưa hiểu hết về quyền của mình khi vay thế chấp ngân hàng nên trong thời gian vay đã chấp thuận cho ngân hàng giữ lại bản gốc giấy tờ xe. Người tham gia giao thông nếu không xuất trình được đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính... sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt từ 200.000 đến 400.000 đồng. Tuy nhiên, hiện cảnh sát giao thông mới nhắc nhở, chưa xử phạt.

Trả lời báo giới sáng nay, Cục trưởng Quản lý xử lý vi phạm hành chính cho rằng: "Nếu áp dụng xử phạt sẽ khiến người dân hoang mang, có thể dừng ngay việc vay ngân hàng".

Phân tích việc này, ông Sơn cho hay Nghị định 163/2006 cho phép bên nhận thế chấp giữ bản gốc của tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển… Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép ngân hàng, tổ chức tín dụng được giữ giấy tờ liên quan đến tài sản khi nhận thế chấp.

Quy định pháp luật về công chứng, chứng thực cũng cho phép bản sao chứng thực từ bản chính có giá trị thay bản chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Trong khi đó Luật Giao thông đường bộ lại quy định, người lái xe phải mang theo giấy tờ, đăng ký xe khi tham gia giao thông.

Theo Cục trưởng Sơn, cảnh sát giao thông xử phạt là có căn cứ, còn ngân hàng giữ bản gốc đăng ký xe nhằm tránh rủi ro, phát sinh nợ xấu cũng xuất phát từ thực tiễn.

"Câu chuyện ở đây là pháp luật chưa đồng bộ. Người dân muốn tuân thủ cả hai quy định cùng một lúc là rất khó", Cục trưởng nêu quan điểm và cho rằng nếu xử phạt người tham gia giao thông không mang bản chính đăng ký xe có thể tác động tiêu cực tới hoạt động tài chính kinh tế. Trong khi nhà nước đang khuyến khích tiêu dùng, phát triển kinh tế.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính đánh giá đây là "vấn đề nóng", các cơ quan liên quan cần có cách giải quyết sớm.

- Nghị định 11/2012 bổ sung Điều 20a Nghị định 163/2006 quy định: "Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”. 

Quy định này đồng nghĩa với việc từ ngày 10/4/2012 (thời điểm Nghị định 11/2012 có hiệu lực), các tổ chức tín dụng, ngân hàng, sau khi cho khách hàng vay và làm các thủ tục thế chấp xong phải trả cho người thế chấp giấy đăng ký xe bản gốc. 

- Cuối tháng 5/2017, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các ngân hang sau khi làm hợp đồng vay, thế chấp tài sản phải giao lại bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông theo quy định của Nghị định 11/2012.

- Sau khi ngân hàng có chỉ đạo trên, Cục Cảnh sát giao thông có công văn chỉ đạo công an các địa phương thực hiện nghiêm quy định xử phạt người điều khiển giao thông không mang theo đăng ký xe.

- Ngày 12/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163. Nội dung sẽ theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của ngân hàng khi lưu thông phương tiện giao thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận