10 sự kiện tiêu biểu năm 2014

Xã hội 17/02/2015 22:00

Năm 2014, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt đời sống xã hội và không ít những khó khăn thách thức. Dưới đây, Tạp chí Giao thông vận tải tổng hợp và bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu.


1. Quốc hội thông qua nhiều luật, nghị quyết cụ thể hóa Hiến pháp 2013

QH_moi

Năm 2014, Quốc hội thông qua 29 Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa các nội dung của Hiến pháp 2013 về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ và thực thi quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quốc hội cũng đã thông qua nhiều luật quan trọng như: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước… 13 Nghị quyết quan trọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cho phù hợp với thực tiễn.

2. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định gắn với tái cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

lam phat 2
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,98%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 4%, thấp nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Việc tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là hơn 30 tỷ USD. Các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua nhiều thử thách và đóng góp cho kinh tế đất nước. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.

3. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước

bien dao
Trong hơn hai tháng, từ ngày 01/5  đến ngày 15/7/2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trên thực địa cũng như bằng con đường đấu tranh ngoại giao, đấu tranh công luận và đấu tranh pháp lý, Việt Nam kiên trì yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4. Lấy phiếu tín nhiệm và thước đo cán bộ

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh lãnh đạo chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, và việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về vấn đề này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Số phiếu tín nhiệm cao dành cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tăng đáng kể so với kết quả lấy phiếu tín nhiệm trước đó. Kết quả này cho thấy tác động tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với việc thực hiện chức trách được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.

5. Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương


Nhiều cá nhân đã bị kết án trong các vụ án tham nhũng lớn, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như và nhiều bị cáo khác đã phải nhận những hình phạt thích đáng. Những án tử hình này thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp cũng tiến hành xác minh, xử lý kỷ luật Đảng những cán bộ, đảng viên đương chức hoặc nghỉ hưu do những sai phạm nghiêm trọng. Sự cương quyết của Đảng, Nhà nước đã có tác dụng tích cực để từng bước đẩy lùi tham nhũng, mang lại niềm tin trong nhân dân.

6. Đột phá hạ tầng giao thông

Là một năm thành công của Bộ Giao thông vận tải trong việc thút vốn đầu tư ngoài Ngành. Dự kiến, tổng số vốn giải ngân cả năm 2014 đạt tới 100.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn ngân sách hạn chế, vốn ODA dần cạn kiệt thì hướng đi xã hội hóa đầu tư đang được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm, với chủ trương mang tính đột phá là “dùng hạ tầng đầu tư hạ tầng”. Năm 2014 ghi dấu ấn với nhiều công trình hạ tầng quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, điển hình như: Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Dự án cầu Nhật Tân, Dự án Nhà ga T2 Nội Bài… Đây là những công trình hạ tầng có ý nghĩa quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

7. Giá dầu giảm kỷ lục

1332480292_img73808109
Giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 5 năm trở lại đây đã tác động kép lên nền kinh tế Việt Nam. Cứ 1 USD giá dầu giảm, Ngân sách Nhà nước mất đi 1.000 tỷ đồng từ xuất khẩu dầu thô. Ở khía cạnh tích cực hơn, giá dầu giảm sâu giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, khi giá xăng dầu liên quan tới đầu vào của hơn 100 mặt hàng. Ở góc độ tiêu dùng, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, người dân có thể thở phào mỗi khi đổ xăng.

8. IPO các “ông lớn” và đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước

Năm 2014, hai sở giao dịch chứng khoán là HOSE và HNX đã tổ chức được 86 phiên đấu giá cổ phần với giá trị bán được đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2013.  Trong số đó, phải kể tới các đợt IPO của các “ông lớn” như: Vinatex, Vietnam Airlines, Công ty TNHH Một thành viên Phân bón dầu khí Cà Mau, các tổng công ty lớn ngành Giao thông, Sasco, Nasco, Cienco1, 4, 5, 6, 8, Thăng Long… Cùng với các cuộc chào bán cổ phần liên tiếp trong ngành Giao thông, những thương vụ bán vốn đáng chú ý nhất phải kể đến Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Đạm Cà Mau hay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khi đều thu về số tiền 1.100 – 1.500 tỷ đồng.

9. Chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Ghi dấu ấn với nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến đổi mới giáo dục và thi cử. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở bậc Trung học phổ thông đã được Quốc hội thông qua và sẽ được áp dụng từ năm 2018. Chủ trương sẽ chỉ còn duy nhất một kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh vào Đại học, cao đẳng đã được thông qua, để bắt đầu triển khai từ năm sau. Cũng trong năm nay, quy định bỏ chấm điểm ở bậc Tiểu học đã giảm áp lực điểm số cho học sinh.

10. Giải cứu 12 công nhân ở hầm thủy điện Đạ Dâng

Việc giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vào những ngày cuối năm 2014 mang lại những niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình và các lực lượng tham gia cứu hộ.  Hơn 1.000 con người đã không ngủ ròng rã 82 giờ đồng hồ vì sự sống của 12 con người. Hàng triệu người Việt Nam đã từng giờ từng phút dõi theo một trong những vụ giải cứu hồi hộp nhất trong lịch sử tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận